Thị trường chiều nay đột nhiên diễn biến rất xấu, từ khoảng 2h trở đi áp lực bán tăng vọt và hạ giá dữ dội. VN-Index rơi thẳng đứng do các blue-chips đồng loạt giảm mạnh. Cả rổ VN30 sót lại đúng POW và GAS tăng giá, chỉ số đại diện nhóm này bốc hơi 1,21% giá trị. Khối ngoại xả chiếm 25% rổ này với mức rút ròng tới trên 1.125 tỷ đồng.
Sau phiên tăng hôm qua, thị trường có biểu hiện chững lại buổi sáng nhưng cũng không giảm nhiều, độ rộng còn phân hóa tốt. Tuy nhiên chiều nay khi có thêm lượng hàng mới về tài khoản dồn lại cùng với hàng T+ hôm qua, kết hợp với sự suy yếu ở nhóm trụ, tâm lý lo ngại dâng cao. Nhà đầu tư bắt đầu bán hạ giá mạnh tay, kết cục là đẩy rất nhiều cổ phiếu sụt giảm.
Nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn đang là điểm yếu của thị trường khi giảm nhanh hơn và mạnh hơn phần còn lại. Chốt phiên sáng rổ VN30 cũng chỉ có 5 mã tăng/25 mã giảm nhưng chiều này còn yếu hơn nữa. Thống kê cho thấy có tới 22/30 cổ phiếu của rổ này đóng cửa giá thấp hơn mức chốt buổi sáng. Nhiều cổ phiếu trụ lớn nhất đã suy yếu đáng kể: VCB giảm thêm 0,22% chiều nay, chốt giảm 0,99%; VHM giảm thêm 0,8%, chốt giảm 1,25%; VNM giảm thêm 0,6%, chốt giảm 0,75%; CTG giảm thêm 0,32%, chốt giảm 1,71%; HPG giảm thêm 0,87% thành giảm 1,89%...
Đây chính là mối lo ngại thường trực trong bối cảnh VN-Index cần một động lực nâng đỡ để ổn định trong tình thế dao động trong vùng đỉnh. Khi chỉ số được các trụ co kéo và ít biến động, dòng tiền đầu cơ sẽ hoạt động mạnh, nhưng nếu điểm số giảm nhiều, tâm lý sẽ bất ổn.
Rổ VN30 chiều nay tăng thanh khoản so với phiên sáng khoảng 32%, nhưng cổ phiếu lại lao dốc. Trong 27 mã đỏ ở nhóm này, tới 18 mã giảm quá 1%. May là các cổ phiếu giảm sâu nhất vẫn chưa phải là vốn hóa lớn nhất: BVH giảm 2,98%, HDB giảm 2,9%, STB giảm 2,08%, GVR giảm 1,97%. Tuy nhiên do đầu phiên vẫn còn nhiều mã tăng giá nên dao động trong ngày của hàng loạt cổ phiếu rất rộng. Nhà đầu tư lỡ đua giá cao thậm chí còn thể thua thiệt 2-3% ngay lập tức.
Áp lực bán của khối ngoại trong rổ VN30 là rất đáng chú ý. Tổng giá trị bán của khối này chiếm tới 25% giao dịch cả rổ. Rất nhiều mã bị rút vốn dữ dội: CTG -335,7 tỷ đồng, HPG -232 tỷ, HDB -109,4 tỷ, SSI -104,1 tỷ, VNM -100,9 tỷ, MSN -73,3 tỷ, VRE -59,5 tỷ, VIC -52,7 tỷ, VPB -52,2 tỷ, VHM -44,7 tỷ, MWG -44,7 tỷ, VCB -35,2 tỷ. Thực ra cũng không phải lực bán này quá vượt trội so với tổng thanh khoản từng mã, nhưng đây là đợt rút vốn rất mạnh và liên tục. Cuối cùng thì để thu được tiền về vẫn phải có người khác mua đối ứng và điều này cũng làm tiêu tốn nguồn lực chung.
Thanh khoản hai sàn niêm yết phiên chiều cũng gia tăng hơn 35% so với buổi sáng, trong đó HoSE tăng 34,3%. Mặt bằng giá cổ phiếu đã hạ xuống đáng kể: Chốt phiên sáng sàn này mới có 51 cổ phiếu giảm hơn 1%, đóng cửa là 100 mã. Thanh khoản nhóm này chiếm gần 44% tổng giá trị khớp của sàn, thậm chí có tới 31 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên. Những mã như HPG, CTG, SSI, GEX, MWG, HDG… chịu sức ép bán ra cực mạnh một cách rõ ràng.
Dù vậy, phía tăng giá hôm nay cũng không yếu, chỉ là tập trung vào nhóm vốn hóa nhỏ là chính nên hầu như không có tác động được đến VN-Index. Nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời khá tốt, nhiều cổ phiếu tăng rất mạnh. Chỉ số smallcap đóng cửa tăng 0,6% với 9 cổ phiếu kịch trần (toàn sàn là 14 mã). Dù vậy độ rộng rổ này cũng không quá vượt trội, với 83 mã tăng/65 mã giảm. Nói cách khác, cũng không phải toàn bộ nhóm vốn hóa nhỏ đều tốt.
Trong 83 mã tăng của rổ thì chỉ 27 mã có giao dịch từ 10 tỷ đồng thanh khoản trở lên. 10 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất và giá tăng trên 1% là BAF tăng 1,1% giao dịch 217,5 tỷ đồng; ORS tăng 2,2% với 141,8 tỷ; VOS tăng 3,94% với 110,6 tỷ; PET tăng 6,89% với 104,5 tỷ; KSB tăng 1,32% với 101,2 tỷ; AGR tăng 1,98% với 89,6 tỷ; NHH tăng 6,93% với 80,8 tỷ; IDI tăng 1,25% với 60,8 tỷ; KHG tăng 5,42% với 60,6 tỷ; VDS tăng 2,87% với 59,2 tỷ.
Dòng tiền tiếp tục có sự tập trung cao vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Hôm nay tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng gần 20% so với hôm qua thì VN30 chỉ tăng chưa tới 12%, Midcap tăng 23% và Smallcap tăng 35%. Tính theo giá trị tuyệt đối, thanh khoản HoSE tăng 3.799 tỷ đồng thì VN30 chỉ đóng góp 865 tỷ đồng.
Sự dịch chuyển dòng tiền như vậy cũng không phải là mới, mà diễn ra từ hai tuần này. Kể từ khi VN30-Index vượt đỉnh tháng 3 rồi lại điều chỉnh rơi xuống, thanh khoản rổ blue-chips suy giảm, giá cũng yếu hơn. Cơ hội kiếm tiền ít đi nhiều và nhà đầu cơ xoay sang các cổ phiếu nhỏ. Cho đến hiện tại khi thị trường không có tín hiệu nào về đột phá lên đỉnh cao mới thì dòng tiền nóng vẫn vận động rất mạnh.