March 02, 2022 | 08:39 GMT+7

Khối ngoại giảm bán, dòng tiền có đảo ngược?

An Nhiên -

Giá trị bán ròng của khối ngoại trong tháng 2/2022 thấp nhất kể từ năm 2021 đến nay...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thống kê từ HoSE cho thấy, sau suốt một năm bán ròng 60.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xu hướng bán ròng của khối ngoại nay đã giảm tốc đáng kể. Theo đó, trong tháng 2/2022 vừa qua, khối ngoại chỉ còn bán ròng 371 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số bán ròng 2.982 tỷ đồng của tháng 1/2022 và giảm mạnh so với những tháng của năm 2021.

Trước đó, trong năm 2021, có những tháng khối ngoại bán lên đến 11.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng bán đâu đó khoảng 5.000 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam.

Trong tháng 2 vừa qua, khối ngoại tập trung gom ròng VHM với giá trị lớn nhất 921 tỷ đồng, tiếp theo là STB với giá trị 637 tỷ đồng; DXG 549 tỷ đồng. Các cổ phiếu cũng được khối ngoại gom ròng khác như GMD, KBC, VND, TPB, GEX.

Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ra nhiều nhất VIC với tổng giá trị 2.626 tỷ đồng, HPG đứng thứ hai với giá trị 1.527 tỷ đồng; NVL đứng thứ ba với 591 tỷ đồng. HDB, VNM, PLX, VPB cũng bị khối ngoại xả liên tục với giá trị lớn trong tháng vừa qua.

Khối ngoại giảm bán, dòng tiền có đảo ngược? - Ảnh 1

Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 75 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là trên 3 triệu cổ phiếu. TNG đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HNX với giá trị 190 tỷ đồng. VCS đứng sau nhưng giá trị bán ròng thấp hơn nhiều với 25 tỷ đồng. Trong khi đó, THD được mua ròng mạnh nhất sàn này với hơn 49 tỷ đồng. PLC và PVS đều được mua ròng trên 20 tỷ đồng.

Ở sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng trở lại 170 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 974.622 cổ phiếu. QNS được mua ròng mạnh nhất sàn UPCoM với 50 tỷ đồng. BSR và CTR đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 38 tỷ đồng và 36 tỷ đồng. Chiều ngược lại, ABC bị bán ròng mạnh nhất với 39 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là ABI với chỉ 6,4 tỷ đồng.

Trước đó, đã có nhiều dự báo khối ngoại sẽ quay lại mua ròng cổ phiếu Việt Nam trong năm 2022. Trong báo cáo thị trường vốn, SSI Research kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới và sự ổn định của tỷ giá. Đồng VND sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá (Fed tăng lãi suất).

Bên cạnh đó, quan sát cũng cho thấy xu hướng giao dịch của khối ngoại tại các quốc gia trong khu vực có tín hiệu đảo chiều từ cuối năm 2021. Trước mắt, thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị chào đón thêm một quỹ đầu tư đến từ Đài Loan là quỹ Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV Fund). JSV Fund đã tiến hành IPO từ ngày 10/1/2022 với số vốn huy động ước tính khoảng 6 tỷ Đài tệ (tương ứng 5.000 tỷ đồng). Quỹ đã chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán vào ngày 26/1/2022.

Mặt khác, định giá P/E của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá 2022 hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và qua đó kích hoạt xu hướng giải ngân đầu năm của các quỹ ngoại và đây có thể là yếu tố nâng đỡ thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Chứng khoán MBS đồng quan điểm cho rằng, trong nỗ lực đạt được vị thế thị trường mới nổi, các sáng kiến của Việt Nam nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán sẽ thu hút nhiều dòng vốn đầu tư ra nước ngoài hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể ở vị trí thuận lợi để được nâng hạng lên trạng thái mới nổi sớm nhất vào năm 2022 hoặc muộn nhất vào năm 2025.

Theo ước tính của MBS, việc Việt Nam đưa vào Chỉ số FTSE EM sẽ thu hút ít nhất 355 triệu USD dòng vốn thụ động nước ngoài, theo tỷ trọng của thị trường sẽ vào khoảng 0,36% –0,41%. Trong khi đó, việc Việt Nam được đưa vào Chỉ số MSCI EM có thể thu hút ít nhất 327 triệu USD dòng vốn thụ động nước ngoài, vì tỷ trọng của thị trường dự kiến vào khoảng 0,69% –0,78%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate