Tại Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ nhận định, thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Trong thời gian qua, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động...
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, giai đoạn 2023-2025 nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, tổ chức thực thi pháp luật ở các địa phương…
Đặc biệt là thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể là đẩy mạnh thông tin, truyền thông thể hiện rõ thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhận dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản... để xã hội có các thông tin chính xác, chính thống qua đó ổn định tâm lý, ổn định thị trường; tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
Xoay quanh vấn đề niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin. Lực cầu vẫn có song niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường. Vì vậy, ngoài việc tháo gỡ dần những khó khăn đến từ bản thân thị trường, thì khôi phục niềm tin để nhà đầu tư hiện tại ở lại thị trường, và nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng tham gia là việc cần thiết và có ý nghĩa lớn để vực dậy thị trường.
Tương tự, nhiều chuyên gia cũng nhận xét, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm nên thị trường đầu tư nói chung vốn nhạy cảm lại càng nhạy cảm hơn, đôi khi chỉ một tin đồn vô căn cứ có thể khiến thị trường rung lắc. Như vậy sẽ không ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán và bất động sản rơi vào trầm lắng. Hiện nay, tình trạng này đang biểu hiện rất rõ nên cần quản trị kịp thời giúp phòng ngừa ngăn chặn kết cục xấu.