Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2022 là sự kiện thường niên do Bộ Ngoại giao và Thời báo kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times đồng tổ chức với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, TS. Tạ Đình Thi đánh giá cao tính thời sự của sự kiện trong bối cảnh cả nước đang tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
KHÔNG CHỈ ĐỪNG LẠI Ở KÊU GỌI ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Ông Thi nêu rõ, trong các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, những quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất chất lượng cao; phát huy tối tiềm năng, lợi thế của đất nước. Cùng với đó, coi trọng bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; góp phần tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn này là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 – 7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thi bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
Theo vị đại biểu Quốc hội, để đạt các mục tiêu Quốc hội đề ra, yêu cầu về “Hội tụ nguồn lực” và chuyển đổi sang mô hình “Tăng trưởng xanh” trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là những giải pháp căn cơ lâu dài để tăng sức chống chịu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
"Đặc biệt, gần đây bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bối cảnh tình hình mới cũng đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết mà thế giới cũng như Việt Nam cần quan tâm giải quyết và đáp ứng, nếu không những hệ lụy tiêu cực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình và chất lượng phục hồi, tăng trưởng và phát triển", ông nhấn mạnh. "Chính bối cảnh này là động lực to lớn để chúng ta quyết tâm và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhận thức sang hành động và hành động không ngừng cho những mục tiêu đã đề ra".
Từ đầu những năm 2000, Liên Hợp Quốc đề ra 8 mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ và đến năm 2015 xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt khi xét tính cấp thiết của việc đảm bảo thực hiện đa mục tiêu, vừa phục hồi nhanh kinh tế -xã hội sau tác động của đại dịch Covid-19, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa thúc đẩy tăng trưởng, nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã đề xuất hoặc ban hành các Thỏa thuận Kinh tế Xanh (Green Deal) để từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng tăng trưởng xanh.
Việt Nam cũng sớm xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững và đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với quyết tâm chính trị cao nhất. Chính sách về “Tăng trưởng xanh” thể hiện rõ nét ở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014.
Trong đó, “tăng trưởng xanh” được quan niệm là sự sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Theo ông Thi, qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, nhận thức của Nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực.
"Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Chính phủ và một số tổ chức quốc tế cho thấy, nền kinh tế của chúng ta phát triển chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định bởi sự phát triển còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; vốn đầu tư, thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả; ô nhiễm môi trường gia tăng, cường độ phát thải khí nhà kính cao…", ông nói.
VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN
Ông Thi nhấn mạnh, sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, mà phải huy động mạnh mẽ, hội tụ được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển, cũng như nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình “tăng trưởng xanh”.
Thời gian gần đây, Việt Nam tiếp tục ban hành nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án với mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11/2021C, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Chiến lược này đề ra các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đồng thời trong chuỗi giá trị toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng các quy định, các tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Điều này thể hiện rõ nét và khẳng định mạnh mẽ rằng, tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng lâu dài mà chính là nhu cầu, là yêu cầu trước mắt và cấp thiết của thực tiễn hiện nay.
"Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm 'xanh hóa' các ngành hàng, nếu các doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là 'cạnh tranh xanh'. Và do đó, những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh", ông Thi nêu rõ.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực tư nhân, mà chính là cộng đồng doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
"Một lần nữa, chúng ta thấy rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực tư nhân trong công cuộc kiến tạo và hình thành những giá trị phát triển", ông Thi nói.
Trên cơ sở các phân tích trên, ông nhấn mạnh, thời điểm này chính là lúc cần cùng nhau tìm giải pháp để tiếp cận và hội tụ nguồn lực, để lan tỏa giá trị, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả.
Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế, xã hội, cộng đồng khoa học, công nghệ và doanh nghiệp cần cùng nhau tìm cách tiếp cận mới hơn, phương thức thực thi hiệu quả hơn để giải bài toán kinh tế xanh.
"Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chính là những thành tố cốt yếu thúc đẩy và đảm bảo môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm", ông nhấn mạnh.
Để kịp thời tạo nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ sớm có các chính sách đột phá, ưu tiên khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.
Thời gian qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã tham gia đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, điển hình là những chính sách, pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…