Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết trong quá trình hỗ trợ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, có những tình huống phát sinh khiến người lao động không được hưởng chế độ này.
Các trường hợp thường gặp như: Người lao động không đáp ứng yêu cầu tháng liền kề trước khi mất việc mà đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp; quá hạn 3 tháng kể từ khi mất việc nhưng không nộp hồ sơ đề nghị hưởng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Đáng chú ý là một số lao động khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nộp hồ sơ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phát hiện sổ bảo hiểm không được chốt, vì doanh nghiệp chưa trả hết tiền tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (có khi chỉ 1-2 tháng), nhưng lại ảnh hưởng đến người lao động.
“Người lao động nghỉ việc tại thời điểm này thì bảo hiểm phải căn cứ xem doanh nghiệp mà họ đang làm đã đóng hết bảo hiểm chưa thì mới chốt cho người lao động. Tuy nhiên, người lao động đã đóng xong phần của mình, nhưng phía doanh nghiệp lại không đóng cho bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, nên không thể chốt sổ bảo hiểm được, gây ảnh hưởng quyền lợi người lao động”, bà Liễu thông tin.
Với những trường hợp này, bà Liễu cho biết, đơn vị đã hướng dẫn người lao động quay lại doanh nghiệp đề nghị đóng bảo hiểm để chốt sổ cho người lao động, sau đó doanh nghiệp đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, có nhiều người lao động khi quay lại trung tâm thì đã quá thời hạn 3 tháng nộp hồ sơ theo quy định để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Vì vậy, đơn vị này khuyến cáo doanh nghiệp tham gia hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng thời hạn, cũng là mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Việc này cũng nhằm tránh tình trạng người lao động đã tham gia đầy đủ, nhưng vì không chốt được sổ bảo hiểm nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Để kiểm tra quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình, hiện nay người lao động có thể tra cứu miễn phí thông qua các ứng dụng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp như qua: Ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”; Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến ngày 17/4, đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 104.405 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải có đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Họ cũng cần trình giấy tờ chứng minh mình đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, ví dụ như: quyết định nghỉ việc, quyết định sa thải, giấy tờ liên quan. Người lao động mang bản chính, bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu khi đến trung tâm dịch vụ việc làm.
Đồng thời, người lao động cần mang sổ bảo hiểm có sự xác nhận thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Căn cứ vào đó, các Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tính toán để người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mức thời gian mà người lao động đã tham gia.
Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, người lao động hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp theo tháng, thông qua người sử dụng lao động nên tại thời điểm người lao động nhận được tiền lương, phần trách nhiệm đóng của người lao động đã được hoàn thành.
Tuy nhiên, có trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện đúng quy định, không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thậm chí chiếm dụng phần đóng của người lao động, nên sẽ bị xử lý trên hành vi vi phạm của người sử dụng lao động.
“Quy tắc là có đóng có hưởng, người lao động chưa đóng vào quỹ thì chưa được ghi nhận thời gian đóng, dẫn đến việc người lao động không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp, chế độ bảo hiểm thất nghiệp”, ông Tú cho biết.