Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 346/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần VNG (mã VNZ-UPCoM).
Theo đó, công ty nàt bị phạt 85 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do đã có hành vi vi phạm hành chính do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể: công ty không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), và của Công ty đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất bán niên năm 2023 đã được soát xét; công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN, trang thông tin điện tử của HNX và của Công ty các tài liệu: BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2022.
Kết thúc quý 3/2023, công ty ghi nhận lỗ giảm mạnh so với cùng kỳ từ hơn 258 tỷ đồng giảm còn gần 172 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty quản lý chi phí một cách có hiệu quả. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty cũng giảm lỗ so với cùng kỳ từ 768 tỷ quý 3/2022 xuống còn hơn 465 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG giảm hơn 400 tỷ xuống 4.684 tỷ đồng.
Được biết, HNX đã đưa cổ phiếu VNZ ra khỏi diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 01/11/2023 theo Quyết định số 1129/QĐ-SGDHN ngày 27/10/2023 do tổ chức đăng ký giao dịch đã nộp cho Sở GDCK Hà Nội báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 34 Quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-HĐTV ngày 16/11/2022 của Hội đồng thành viên Sở GDCK Việt Nam.
Trước đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán VietCap (VCSC) cung cấp báo cáo công ty đối với CTCP VNG (VNZ) sau khi công ty nộp hồ sơ đăng ký IPO trên sàn NASDAQ thông qua Công ty TNHH VNG vào ngày 24/8.
Được biết, VNZ là công ty niêm yết kinh doanh dựa trên nền tảng internet hàng đầu tại Việt Nam chuyên phát triển và xuất bản trò chơi trực tuyến, truyền thông, công nghệ tài chính – fintech (ví điện tử) và chuyển đổi số (dịch vụ điện toán đám mây và các dịch vụ công nghệ khác).
Theo VCSC, từ năm 2016 đến năm 2022, VNZ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% về doanh thu, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ mảng trò chơi. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh fintech của công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu và công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 1,3 nghìn tỷ đồng từ mảng này vào năm 2022.
Trong giai đoạn 2023-2025, VCSC dự báo lợi nhuận của VNZ sẽ có diễn biến tích cực và điều này sẽ được thúc đẩy bởi khoản giảm lỗ từ mảng công nghệ tài chính và khoản đóng góp lợi nhuận cao hơn từ mảng trò chơi trực tuyến.
Cũng theo VCSC, lợi nhuận có thể cải thiện nhờ: (1) ZaloPay thu được lợi nhuận thông qua các sản phẩm tài chính số và cơ sở người dùng mạnh của VNZ, và (2) công ty cải thiện năng lực phát triển trò chơi trong nước và tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu.
Trong dài hạn, VCSC cho rằng VNZ sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn nếu công ty có thể đạt được động lực phát triển hoạt động mảng fintech bằng cách tận dụng danh mục kinh doanh đa dạng của công ty, đặc biệt là nền tảng xã hội Zalo.
VNZ hiện đang giao dịch với EV/doanh thu trượt là 3,2 lần – thấp hơn 22% so với EV/doanh thu trượt của trung vị một số công ty trong ngành dịch vụ dựa trên internet trên thế giới là 4,1 lần.
VCSC cho biết rủi ro đối với công ty là rủi ro pháp lý đối với trò chơi trực tuyến, cạnh tranh gay gắt hơn dự kiến trong lĩnh vực fintech.
Chốt phiên ngày 20/11, giá cổ phiếu VNZ tăng nhẹ 0,14% lên 780.000 đồng/cổ phiếu và tăng hơn 132% từ đầu năm đến nay.