December 02, 2022 | 07:00 GMT+7

Không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023

Chu Khôi -

Dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm so với Tết những năm trước. Trong khi đó, giá lợn hơi xuất chuồng hiện đang xuống quá thấp, khiến người chăn nuôi thua lỗ. Người trồng các cây hoa, cây cảnh Tết cũng đang “thấp thỏm” vì dự báo năm nay sẽ ít người mua…

Dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng trong dịp Tết 2023.
Dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng trong dịp Tết 2023.

Ngày 01/12/2022, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn "Kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại nhiều điểm cầu.

NGƯỜI CHĂN NUÔI LO “MẤT TẾT” DO GIÁ HEO XUỐNG THẤP

Ông Vũ Minh Việt - thành viên Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 nhận định, năm 2022 Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong một giai đoạn ngắn.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân. Nhằm mục tiêu kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023”, ông Vũ Minh Việt nhấn mạnh.

Điểm cầu Diễn đàn tại Hà Nội
Điểm cầu Diễn đàn tại Hà Nội

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết năm 2022, ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại cho người chăn nuôi thấp. Trong quý 4, giá lợn hơi xuống rất thấp, hiện giá xuất chuồng tại các địa phương ở miền Nam chỉ dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg. Trong khi hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc đang neo ở mức rất cao, khiến người chăn nuôi lợn lại đang thua lỗ.

 

“Hiện nay giá cả không thuận lợi cho người chăn nuôi nhưng số lượng dự trữ nguồn cung cho dịp cuối năm tương đối ổn định. Dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm so với những năm trước do nhiều lý do khách quan và chủ quan”.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam.

Nhận định nguy cơ người chăn nuôi heo năm nay sẽ “mất mùa Tết” đã nhãn tiền, ông Đạt cho rằng vấn đề cần quan tâm hiện nay, đó là các tỉnh thành, đô thị lớn ở cả 2 miền Nam và miền Bắc có nhu cầu cao về thực phẩm trong dịp Tết vẫn chưa cân đối và mới chỉ tự cung ứng được khoảng 20 - 40% nhu cầu của người tiêu dùng.

'Để cung ứng được cho nhu cầu lớn, các địa phương vẫn phải vận chuyển nhập hàng hóa từ các tỉnh vệ tinh xung quanh. Vì vậy, cần có giải pháp cắt ngắn chuỗi thương mại thịt và giảm chi phí trong khâu vận chuyển giữa các địa phương, tăng cường liên kết thu mua trực tiếp heo xuất chuồng của nông dân với giá hợp lý", ông Đạt khuyến cáo.

Đồng tình với ý kiến của ông Đạt và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh ở miền Nam, các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có các biện pháp cần thiết, cũng như có sự phối hợp với Bộ Công Thương để đưa giá heo hơi về mức phù hợp với thị trường để đảm lợi ích cân đối giữa các bên.

Với mặt hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết thị trường rau quả của Việt Nam còn bị chi phối nhiều từ thị trường Trung Quốc. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc chiếm 50%. Văn hóa Trung Quốc khá tương đồng với văn hóa của Việt Nam nên nhu cầu cần rau quả phục vụ dịp Tết sẽ cao để phục vụ văn hóa tâm linh. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá và lượng tiêu thụ.

Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng đưa ra những đề xuất như mở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm; mở các cửa hàng bán trái cây có kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến đường, các chợ truyền thống vừa tạo không khí Tết vừa là giải pháp tiêu thụ rau, củ, quả cho bà con; kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Từ đầu cầu TP.HCM, ông Phạm Huy Huệ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM, cho biết dịp Tết Nguyên đán, TP.HCM có nhu cầu khoảng 370.000 tấn rau củ quả, trong đó thành phố sẽ đáp ứng được khoảng 20%; nhu cầu thịt heo là 230.000 con heo, thành phố đáp ứng 8-10%; về thủy sản nhu cầu khoảng 450.000 tấn, khả năng cung ứng đạt khoảng 15%... Về thị trường hoa cây cảnh nhu cầu dự báo sẽ giảm so với Tết những năm trước. Vì vậy, người trồng hoa, cây cảnh cũng đang thấp thỏm.

Thông tin về khả năng cung ứng nông sản của tỉnh Bình Dương trong dịp lễ tết cuối năm 2022, đầu năm 2023, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết hiện nay, đối với sản phẩm rau, củ, quả, trái cây tươi, tỉnh hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 20 - 35% nhu cầu của người tiêu dùng nội tỉnh.

Tổng đàn lợn của Bình Dương là khoảng 13,7 triệu con, khả năng cung ứng hàng ngày khoảng 7.000 - 8.000 con, trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là sản xuất cho TP. HCM và các tỉnh lân cận. Mỗi ngày, Bình Dương có thể cung ứng khoảng 70.000 con gà thịt, trong đó 35.000 con cung ứng cho nội tỉnh, còn lại cung ứng cho TP. HCM và các tỉnh lân cận.

NỖ LỰC ĐƯA RA THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHẤT LƯỢNG

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như ở tỉnh Hậu Giang, cho biết HTX hiện chuyên cung cấp con giống lươn, ếch, thu mua bao tiêu sản phẩm, chế biến sản phẩm từ cá thác lác, lươn, ếch… Trong dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, khả năng cung ứng của HTX như sau: cá thác lác 200 tấn, lươn nguyên liệu 300 tấn, cá lóc 50 tấn/tháng, sản phẩm sơ chế đóng gói về cá thác lác 60 tấn/tháng…

“Hiện tại các sản phẩm được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, doanh nghiệp có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, được đưa vào một số siêu thị, nhưng có bất cập là các siêu thị yêu cầu phải đưa sản phẩm đến từng cửa hàng, trong khi doanh nghiệp chỉ cung cấp đến các kho lớn”, bà Thùy chia sẻ.

Bà Phạm Thị Huân, đại diện Công ty Cổ phần Ba Huân, cho biết dịp lễ tết năm 2023 tới đây, Công ty đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa bằng nhiều hình thức. Đồng thời, Công ty cũng cam kết sẽ giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo bà Đinh Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm, hiện nay Công ty cung cấp hàng cho 300 điểm bán tại Hà Nội và các tỉnh thành phố. Công ty mong muốn sự hợp tác với các đơn vị nuôi trồng để tìm kiếm vùng nguyên liệu theo tiêu chí sạch, an toàn của công ty đề ra, để cung ứng nông sản tốt đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

 

"Mỗi địa phương cần cung cấp những số liệu cụ thể để Tổ diễn đàn có thông tin cụ thể cung cấp đến các doanh nghiệp, các đối tác đảm bảo hàng hóa không bị ứ đọng trong các chuỗi lưu thông".

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Ông Hoàng Trung Độ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh HDO, cho rằng vấn đề bảo quản sau thu hoạch, lưu kho, đóng gói, vận chuyển… của nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp còn hạn chế. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn cản trở lớn đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa đường dài. Do đó, đơn vị mong muốn được hợp tác, cung cấp hạ tầng bảo quản vận chuyển với các đơn vị phía Nam có nhu cầu tiếp cận thị trường miền Bắc.

Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, vào dịp Tết, nhu cầu hoa quả tươi của thị trường Trung Quốc rất lớn, các loại trái cây xoài, chuối, thanh long, chôm chôm… có áp lực đảm bảo nguồn cung cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục chính sách "zero Covid", do đó việc xuất khẩu vẫn gặp khó khăn. Với 2 tỉnh biên giới là Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc đã có những chính sách phòng chống Covid rất hiệu quả. Do vậy, ngay sau khi Tổng Bí thư có chuyến thăm Bắc Kinh thì rất nhiều cửa khẩu nhỏ đã được mở lại và hỗ trợ rất nhiều hoạt động xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

"Điều quan trọng nhất, mong các doanh nghiệp đã và đang tính đến việc đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường không chỉ ở phía Nam mà cả phía Bắc hãy đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy mới đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cả nước và hướng tới thị trường xuất khẩu", ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate