5G đã trải qua quãng thời gian 5 năm kể từ khi ra mắt lần đầu tiên trên thế giới và nhiều người vẫn đang hoài nghi rằng liệu 5G có thể đáp ứng được những kỳ vọng của người tiêu dùng hay không? Dữ liệu của Opensignal đã chứng minh rằng khi người dùng có thể kết nối với 5G, họ sẽ có trải nghiệm trên 5G tốt hơn nhiều so với các công nghệ di động cũ hơn. Cho đến nay, phần lớn trọng tâm của ngành là cải thiện tốc độ tải xuống.
T-MOBILE TIẾP TỤC LÀ QUÁN QUÂN
Opensignal đã phân tích trải nghiệm 5G của người dùng di động trên toàn cầu, nêu bật các nhà khai thác hoạt động tốt nhất và phản ánh về trạng thái hiện tại của mạng 5G. Trong bảng xếp hạng này, ngôi vương của thế giới thuộc về T-Mobile của Mỹ. Mặc dù giành được vị trí đứng đầu tuy nhiên cuộc cạnh tranh 5G cũng đang diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.
Opensignal cho biết thêm rằng khoảng cách giữa T-Mobile ở vị trí thứ nhất so với ứng viên đứng thứ 2 là Jio của Ấn Độ chỉ là rất nhỏ, chính vì vậy đại diện từ Ấn Độ được dự báo sẽ soán ngôi của T-Mobile vào năm 2025. Tuy nhiên, thành tựu của T-Mobile (Mỹ) rất đáng để ăn mừng khi mức độ khả dụng tăng từ 56,1% lên hơn 64,7% trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2023 đến nay.
Điều đó có nghĩa là người dùng 5G thực sự dành hơn 2/3 thời gian di động của họ để kết nối với tín hiệu 5G, tại một quốc gia rộng lớn như Mỹ, chắc chắn là một chiến thắng lớn. Tại bảng xếp hạng các thị trường nhỏ hơn, người chiến thắng cũng chính là là T-Mobile (thông qua chi nhánh Puerto Rico).
Đáng chú ý, hai công ty là Verizon và AT&T dù không được xếp hạng trong 20 nhà mạng hàng đầu thế giới về tốc độ tải xuống 5G nhưng cả hai đối thủ nội địa của T-Mobile đều nhận được giải thưởng “ngôi sao đang lên” trong phân tích mạng không dây toàn cầu mới nhất của Opensignal. Với sự trợ giúp của công nghệ băng tần C, AT&T đã cải thiện tốc độ 5G trung bình của mình lên mức khổng lồ 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Verizon theo sát phía sau với mức tăng đáng chú ý là 52,9%.
Nếu cả hai có thể giữ tốc độ này thì việc họ trở thành nhóm dẫn đầu toàn cầu về tốc độ 5G chỉ là vấn đề thời gian.
HUAWEI XOAY XỞ RA SAO SAU LỆNH HẠN CHẾ TỪ MỸ?
Các nhà đầu tư cũng dành sự chú ý đến thị trường Trung Quốc, đặc biệt là gã khổng lồ Huawei trong bối cảnh Mỹ nỗ lực trừng phạt nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất tại quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên theo Light Reading, các biện pháp đó tác động không nhiều đến chất lượng sản phẩm của họ.
Chính phủ Mỹ đã hy vọng họ có thể đánh bật Huawei, một nhà cung cấp sản phẩm mạng 5G hùng mạnh của Trung Quốc, bằng cách cắt đứt quyền kiểm soát của công ty này khỏi nhiều thành phần quan trọng khác nhau mà Mỹ có thể kiểm soát.
Mặc dù Huawei thiết kế và sản xuất phần lớn bộ sản phẩm của riêng mình nhưng công ty từng là một trong những khách hàng lớn nhất của TSMC, một hãng sản xuất chip của Đài Loan phụ thuộc vào các công cụ của Mỹ.
Theo quy định mới, TSMC bị cấm phục vụ Huawei và nhiều người lo ngại rằng nếu không được tiếp cận với những con chip tiên tiến và các nguồn cung cấp khác, Huawei sẽ suy yếu đến mức sụp đổ. Một đợt trừng phạt thử nghiệm chống lại ZTE, một nhà cung cấp nhỏ hơn của Trung Quốc, gần như đã khiến công ty này phá sản vài năm trước. Nhưng hiệu ứng này không xảy ra tương tự đối với Huawei.
Mặc dù ban đầu Huawei gặp khó khăn sau khi thắt chặt các hạn chế, nhưng doanh số bán hàng của công ty đã tăng 10% vào năm 2023và lợi nhuận ròng tăng 145%. Đó là tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với Ericsson hay Nokia, các đối thủ mạng chính của Huawei có thể đạt được. Theo nhiều nguồn tin từ phía người mua, thiết bị mạng 5G của Huawei vẫn có tính cạnh tranh cực kỳ cao.
Trong MIMO (một phương pháp sử dụng nhiều ăng-ten để phát và thu nhận tín hiệu của kết nối không dây, giúp những thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng hay laptop tiếp nhận sóng Wifi dễ dàng hơn và tận dụng hết khả năng của bộ phát Wifi), các ăng ten của Huawei vẫn là thế hệ hiện đại hơn so với các sản phẩm tốt nhất của Ericsson, với trọng lượng chỉ bằng một phần nhỏ, giúp tiết kiệm năng lượng của các sản phẩm mạng, ít tạo áp lực lên các giá đỡ và tiết kiệm chi phí lắp đặt.
Ban đầu, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc dự trữ điên cuồng chip do TSMC sản xuất đã giúp Huawei có đủ hàng tồn kho để phục vụ các nhà khai thác mạng trong vài năm. Bằng chứng về điều đó dường như được đưa ra trong báo cáo thường niên năm 2019, cho thấy chi phí tồn kho tăng 73%, lên hơn 167 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc (23,7 tỷ USD). Tuy nhiên, nguồn dự trữ chip TSMC cũ giờ đây dường như chắc chắn đã biến mất và Huawei đã chứng tỏ mình có khả năng đưa chip 7 nanomet tiên tiến vào các trạm cơ sở.
Điều đáng lo ngại khác là Huawei có thể sẽ không có được những con chip nhỏ hơn, ngay cả chip 7 nanomet cũng sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của Huawei bởi họ không còn có thể mua hàng từ TSMC.
Bên cạnh việc dựa vào thiết bị và phần mềm của Mỹ, xưởng đúc của Đài Loan còn sử dụng một kỹ thuật gọi là quang khắc cực tím (EUV) để tạo ra những con chip tiên tiến nhất với các bóng bán dẫn nhỏ nhất. Ngày nay, thị trường máy EUV được độc quyền bởi ASML, một công ty Hà Lan, và Chính phủ Hà Lan từ lâu đã từ chối cấp giấy phép xuất khẩu cho ASML để phục vụ Trung Quốc.
Tuy nhiên Huawei dường như đã tự chủ được nguồn cung trước những thách thức đó. Các bộ khuếch đại công suất (PA) được sử dụng trong các thiết bị vô tuyến MIMO khổng lồ cũng hoàn toàn do Huawei tự chủ. Những thiết bị này có được thiết kế nhẹ một phần là nhờ vào khoản đầu tư của công ty vào gali nitrit, một chất thay thế tiết kiệm năng lượng cho silicon.
Philip Song, giám đốc tiếp thị của mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ tại họp báo tại Mobile World Congress năm nay: “Đối với thành phần này, chúng tôi đang dẫn đầu ngành trước một thế hệ so với các đối thủ cạnh tranh”.