May 24, 2023 | 14:31 GMT+7

Không "xanh hóa" kịp, nhiều doanh nghiệp Việt sẽ mất đơn hàng

Phạm Vinh -

Mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần có giải pháp phát triển một cách bền vững riêng, nhưng cốt lõi chung chính là cân bằng được cả ba yếu tố phát triển kinh tế, xã hội và môi trường…

Hội thảo “Tiêu chuẩn phát triển bền vững xu hướng chuyển đổi xanh của thị trường” ngày 23/5 tại TP.HCM.
Hội thảo “Tiêu chuẩn phát triển bền vững xu hướng chuyển đổi xanh của thị trường” ngày 23/5 tại TP.HCM.

Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức hội thảo “Tiêu chuẩn phát triển bền vững xu hướng chuyển đổi xanh của thị trường” ngày 23/5 tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Viện, Trưởng phòng đánh giá và chứng nhận môi trường -Công ty Intertek Việt Nam, cho biết,  Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Vì thế, thực hiện phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp hướng đến.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động với những chiến lược, kế hoạch để hỗ trợ, đồng hành giúp doanh nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vững từ nhiều năm nay. Bangladesh, Ấn Độ… đã đưa vào kế hoạch phát triển xanh, phát triển bền vững từ 5 – 7 năm nay.

Hiện nay, các nhãn hàng đang bổ sung thêm các yêu cầu mới trong hệ thống kiểm soát, trong đó sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng và phải hướng đến phải triển bền vững chẳng hạn như dòng sản phẩm về dệt may hữu cơ, dệt may tái chế…

“Bên cạnh đó là vấn đề minh bạnh, báo cáo tài chính, năng lực doanh nghiệp, xây dựng xanh, bảo vệ môi trường, xuất xứ hàng hóa… đó là những tiêu chí mà đối tác lựa chọn đơn hàng. Nếu không thay đổi những yếu tố trên, chúng ta có thể sẽ mất đơn hàng”, Nguyễn Văn Viện chia sẻ.

 

“Nhiều vấn đề như minh bạch, báo cáo tài chính, năng lực doanh nghiệp, xây dựng xanh, bảo vệ môi trường, xuất xứ hàng hóa… là những tiêu chí mà đối tác lựa chọn doanh nghiệp Việt. Nếu không thay đổi những yếu tố trên, chúng ta có thể sẽ mất đơn hàng.”

Ông Nguyễn Văn Viện, Công ty Intertek Việt Nam.

Vấn đề này, hiện nay gần như chưa có, nhất là ở các hiệp hội chưa có các chương trình phát triển xanh, bền vững. Ngoài ra, với doanh nghiệp, cần xác định rõ, khách hàng của mình là ai, sau đó xác định chiến lược dài hạn, trung hạn, tập trung dòng sản phẩm, hàng hóa và đầu tư bài bản… Tính đến năm 2050, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều, chi phí rất lớn nên cần cân nhắc xem cái nào làm trước, cái nào làm sau.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, Việt Nam là nước có những vấn đề về biến đổi khí hậu gây ra nhiều lo ngại. Do đó, việc phát triển xanh, bền vững phải có sự hỗ trợ từ nhà nước, bởi doanh nghiệp đang rất khó khăn, lại phải đeo đuổi thêm một tiêu chuẩn xanh nữa thì rất khó.

“Tôi cho rằng, không tính những doanh nghiệp lớn, có tầm nhìn xa, đa phần là doanh nghiệp nhỏ, buộc doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu xa về mục tiêu xanh thì khó. Nhà nước cần hỗ trợ về vật chất, về truyền thông quảng bá, về tiêu chuẩn xanh để bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu và thực hành”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ qua Hội nghị COP26 về việc thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển xanh trong tương lai… Do đó, việc nâng cao ý thức, khả năng của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng theo hướng tăng trưởng xanh nhiều hơn là điều cần thiết.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, hộ kinh doanh thích ứng, phát huy năng lực và hiệu quả trong kinh doanh hội nhập, đặc biệt có thể tương tác nhanh với các xu hướng xanh - tuần hoàn, trong năm 2023 này, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng USAID - Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Dự án “Tăng trưởng xanh - Kinh tế xanh - Kinh tế tuần hoàn”.

Theo đó, các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ dựa trên 3 trụ cột là “Chuẩn hóa - Số hóa - Thương mại hóa”. Hiện, USAID có gói hỗ trợ kỹ thuật dành cho doanh nghiệp tiên phong lên tới 150.000 USD.

Gói hỗ trợ này giúp doanh nghiệp tiếp cận các chuyên gia, công ty tư vấn hàng đầu về phát triển thị trường tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của Dự án giúp Việt Nam đẩy mạnh nỗ lực nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu về phát triển bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate