August 29, 2024 | 09:39 GMT+7

Khủng hoảng bất động sản đè nặng triển vọng kinh tế Trung Quốc

Ngọc Trang -

Do cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc tệ hơn dự báo, UBS hạ triển vọng kinh tế nước này...

Ảnh minh họa: Bloomberg
Ảnh minh họa: Bloomberg

Trong một báo cáo công bố ngày 28/8, ngân hàng Thụy Sỹ UBS hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay và năm 2025 do cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng hơn dự báo và thị trường hiện vẫn chưa chạm đáy.

Cuộc khủng hoảng địa ốc cùng với việc đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy yếu từ tháng 3 đến nay, UBS dự báo GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng 4,6% trong năm 2024. Con số này giảm từ mức dự báo 4,9% mà UBS đưa ra trước đó. Với năm 2025, UBS hạ mức dự báo tăng trưởng từ 4,6% đưa ra trước đó xuống còn 4%.

“Chúng tôi dự báo hoạt động ảm đạm của thị trường bất động sản sẽ kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế nghiêm trọng hơn so với dự báo trước đây”, nhóm nhà kinh tế gồm Wang Tao của UBS viết trong báo cáo ngày 28/8.

Dù Bắc Kinh đã bắt đầu nới lỏng chính sách cho thị trường bất động sản từ cuối năm 2022, bao gồm giảm yêu cầu đặt cọc bắt buộc, hạ lãi suất vay thế chấp mua nhà và bỏ một số hạn chế với giao dịch mua nhà, nhưng việc triển khai các chính sách này trong thực tế diễn ra ì ạch. Do đó, các chính sách đã công bố không mang lại nhiều hiệu ứng tích cực với thị trường.

Khủng hoảng bất động sản đè nặng triển vọng kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1

“Những năm gần đây, các yếu tố cơ bản về cung và cầu trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã thay đổi. Niềm tin của người mua nhà đang ở mức thấp trong bối cảnh tăng trưởng thu nhập hộ gia đình yếu. Lượng nhà tồn kho trên thị trường ở mức cao kỷ lục trong khi việc triển khai các giải pháp giải phóng nhà tồn kho diễn ra chậm chạp”, các nhà kinh tế của UBS phân tích.

Ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ cũng hạ triển vọng của ngành bất động sản Trung Quốc và dự báo thị trường này chỉ có thể bắt đầu thoát đáy vào giữa năm 2026.

Theo dữ liệu mới công bố đầu tháng này, thị trường bất động sản ở Trung Quốc chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, dù tốc độ suy giảm có xu hướng chững lại. Hoạt động khởi công xây dựng mới tiếp tục giảm khoảng 20% ​​so với một năm trước. Cuộc khủng hoảng địa ốc đã kéo theo mọi thứ từ thị trường việc làm cho đến tiêu dùng và tài sản hộ gia đình đi xuống trong 2 năm qua.

Hồi tháng 5, Trung Quốc công bố chương trình hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và một số ngân hàng quốc doanh lớn sẽ triển khai gói tín dụng lên tới 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD), cho các chính quyền địa phương vay để mua lại nhà ế trên thị trường và chuyển đổi thành nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, số liệu chính thức từ PBOC cho thấy đến nay chương trình này mới chỉ giải ngân được 24 tỷ nhân dân tệ, một số con khiêm tốn so với quy mô toàn bộ chương trình cũng như nhu cầu vốn lớn để giải quyết lượng bất động sản tồn kho trên thị trường.

Tình trạng giải ngân chậm chạp diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chật vật tìm cách bình ổn thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng kéo dài. Nhiều chương trình hỗ trợ ngành bất động sản cũng như một số ngành khác của Trung Quốc hiện cũng đang xảy ra tình trạng ì ạch tương tự, làm dấy lên hoài nghi về tính hiệu quả các chính sách kích thích của Bắc Kinh. Điều này càng làm suy giảm niềm tin của người dân tại Trung Quốc, nơi bất động sản chiếm phần lớn tài sản của họ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate