Từng là tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande vừa nhận phán quyết yêu cầu thanh lý tài sản từ một tòa án của Hồng Kông. Động thái này như một đòn giáng vào thị trường bất động sản vẫn đang chìm trong khủng hoảng của Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng tâm lý lo lắng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dưới đây là 2 biểu đồ quan trọng cho thấy mức độ cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc, bao gồm doanh số căn hộ và bất động sản thương mại (sử dụng dữ liệu từ Bloomberg) và diện tích nhà ở được khởi công xây dựng mới (sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới – WB).
Từ biểu đồ thứ nhất có thể thấy, doanh số bất động sản, gồm cả nhà ở và thương mại, tại Trung Quốc tăng đều đặng trong giai đoạn từ năm 2003-2021, từ 1 nghìn tỷ nhân dân tệ lên 15 nghìn tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, con số này giảm mạnh xuống dưới 12 nghìn dân tệ vào năm 2023. Trong đó, chỉ riêng trên thị trường nhà ở, doanh số nhà mới năm 2023 giảm 6% so với năm trước, còn doanh số nhà đã qua chuyển nhượng giảm mạnh tại các thành phố lớn.
Còn theo biểu đồ thứ hai, diện tích nhà ở xây mới tại Trung Quốc giảm 58%, từ 1.515 triệu m2 vào năm 2019 xuống còn 637 triệu m2 năm 2023.
Về phía doanh nghiệp, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, các công ty phát triển bất động sản đối mặt với các vụ vỡ nợ trái phiếu trị giá tổng cộng 125 tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng địa ốc đang là “hòn đá tảng” kéo tụt đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dẫn tới làn sóng sa thải và bất ổn định tài chính. Các chuyên gia dự báo cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài trong bối cảnh nhà đầu tư bi quan và giảm rót vốn vào quốc gia này. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra sau diễn biến mới nhất của Evergrande hiện vẫn là một dấu hỏi lớn.