Trong tuyên bố đưa ra vào ngày Chủ nhật, các sàn giao dịch chứng khoán ở Thẩm Quyến và Thượng Hải cho biết nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu sẽ không được phép cho người khác vay số cổ phiếu đó để bán khống trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, Cơ quan Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng cấm hoàn toàn việc cho vay cổ phiếu hạn chế - loại cổ phiếu mà doanh nghiệp niêm yết cấp cho nhà đầu tư hoặc nhân viên kèm theo một khoảng thời gian không được bán nhưng người sở hữu cổ phiếu đó có thể cho người khác vay để giao dịch, chẳng hạn để bán khống. CSRC cho biết sẽ xử lý mạnh tay đối với các hoạt động phi pháp thông qua việc cho vay cổ phiếu để giảm lượng nắm giữ và thu tiền về.
Có hiệu lực từ ngày 29/1, trên đây biện pháp mới nhất trong chuỗi biện pháp mà Bắc Kinh triển khai trong thời gian gần đây để vực dậy thị trường chứng khoán.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mạnh tay cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng 140 tỷ USD thanh khoán cho hệ thống ngân hàng. Thị trường chứng khoán nước này đã thoát đáy 5 năm sau khi khi quyết định này được công bố, nhưng xu hướng giảm nhanh chóng nối lại trong phiên ngày thứ Sáu, phản ánh tâm trạng bi quan sâu sắc của nhà đầu tư về triển vọng của thị trường và nền kinh tế.
Giới phân phân tích và nhà đầu tư tin rằng Bắc Kinh cần triển khai nhiều các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn và mạnh mẽ hơn để phục hồi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc chóng mặt trong năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng giảm mạnh trong tháng đầu tiên của năm 2024. Tính từ đầu năm, chỉ số CSI 300 đã giảm khoảng 3%. Năm ngoái, chỉ số này giảm 11%, đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp.
Theo hãng tin Reuters, các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc thậm chí còn rút vốn khỏi thị trường mạnh mẽ hơn khối ngoại, do mức độ bi quan lớn về triển vọng kinh tế.
Nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn mục tiêu mà Chính phủ nước này đề ra. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu nhờ cơ sở so sánh thấp vì kinh tế Trung Quốc đã suy yếu nhiều trong năm 2022 do các đợt phong toả chống Covid-19 kéo dài.
Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 diễn ra không đều, với tiêu dùng còn yếu, khủng hoảng bất động sản kéo dài, và xuất khẩu tụt dốc vì nhu cầu toàn cầu suy yếu. Số liệu về tháng 12 cho thấy người tiêu dùng tiếp tục thắt lưng buộc vụng và giá nhà giảm mạnh nhất 9 năm.
Giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về hiệu quả mà các biện pháp “cầm máu” chứng khoán mà Trung Quốc vừa tung ra. “Lệnh cấm bán khống là một tín hiệu của Chính phủ, nhưng đó chỉ một cách ‘băng bó’ với ảnh hưởng hạn chế. Liệu thị trường chứng khoán Trung Quốc có ổn định được hay không sẽ tuỳ thuộc vào niềm tin”, nhà kinh tế cấp cao Gary Ng của ngân hàng đầu tư Natixis nhận định.
Các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc nắm giữ nhiều sản phẩm phái sinh gọi là “quả cầu tuyết” (“snowball”) - loại sản phẩm mang lại dòng tiền lãi lớn miễn sao các chỉ số chứng khoán dao động trong một phạm vi nhất định - đang hứng chịu thua lỗ lớn vì thị trường giảm liên tục.
Giới phân tích cảnh báo rằng các sản phẩm phái sinh “quả cầu tuyết” có quy mô tương đối nhỏ so với toàn thị trường, nhưng thiệt hại mà nhà đầu tư gánh chịu từ sản phẩm này có thể làm gia tăng áp lực bán tháo.