January 26, 2024 | 08:11 GMT+7

Trung Quốc “thúc” ngân hàng thương mại cho vay để vực dậy tăng trưởng

Bình Minh -

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng thứ mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần bây giờ không phải là vốn vay nhiều hơn hay rẻ hơn, mà là Chính phủ cần chi tiêu nhiều hơn...

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh - Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố các biện pháp mới để thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại đối với hộ gia đình và doanh nghiệp - một động thái sớm có thể được nối tiếp bằng những chính sách rộng hơn nhưng có kiểm soát của Bắc Kinh nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế trong năm nay sau một năm 2023 ảm đạm.

Trước khi các biện pháp mới nói trên được công bố, đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc dường như đang triển khai hỗ trợ thị trường chứng khoán đang trên đà trượt dốc của nước này. Tờ Wall Street Journal nói rằng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phát hiện thấy hoạt động gom mua cổ phiếu của các quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm và các đơn vị khác có sự quản lý của nhà nước.

Tại một cuộc họp báo ngày 24/1, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng bất ngờ tuyên bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, qua đó gửi đi một tín hiệu mới rằng giới chức Trung Quốc đang cảm nhận áp lực gia tăng về việc phải ngăn đà bán tháo trên thị trường chứng khoán, bên cạnh tăng cường hỗ trợ nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng thứ mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần bây giờ không phải là vốn vay nhiều hơn hay rẻ hơn, mà là Chính phủ cần chi tiêu nhiều hơn, cũng như có biện pháp mạnh hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và cải thiện niềm tin của người tiêu dùng.

“Động thái của PBOC là một tín hiệu tích cực cho thấy Chính phủ Trung Quốc mong muốn phục hồi động lực tăng trưởng và bình ổn thị trường chứng khoán”, giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell nhận định với Wall Street Journal. Tuy nhiên, ông Prasad cho rằng “động thái này sẽ chỉ có tác dụng hạn chế vì niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình đang rất yếu”.

Thống đốc Pan cho biết việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 5/2 sẽ giải phóng lượng vốn khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 139 tỷ USD, trong hệ thống ngân hàng để các ngân hàng thương mại có thể tăng cường cho vay. Đây là lần thứ ba Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vòng chưa đầy 1 năm qua, đưa tỷ lệ này về 7% từ 7,4% trước đợt giảm này.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm là tin tốt thứ hai mà nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc nhận được trong tuần này, sau khi Hội đồng Nhà nước vào hôm thứ Hai kêu gọi tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường. Phiên ngày thứ Năm, chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng hơn 3%, còn chỉ số Hang Seng Index của thị trường Hồng Kông tăng gần 2%.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, vượt mục tiêu mà Chính phủ nước này đề ra nhưng là một trong những mức tăng yếu nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây ngoại trừ những năm đại dịch. Trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút, khủng hoảng bất động sản kéo dài và tiêu dùng yếu, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm ngoái chủ yếu dựa vào đầu tư công cho cơ sở hạ tầng và làn sóng đầu tư vào hoạt động sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ xanh.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây phát tín hiệu rằng nước này không muốn sử dụng đến các biện pháp kích cầu ồ ạt trên quy mô lớn vì lo ngại sự gia tăng của nợ nần. Đối với cuộc khủng hoảng địa ốc, Trung Quốc chỉ nới hạn chế mua nhà tại một số thành phố và giảm nhẹ lãi suất cho vay mua nhà. Sự thận trọng và những biện pháp dè dặt này gây thất vọng cho các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế - những người cho rằng sự giảm tốc nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc đòi hỏi “liều thuốc” mạnh mẽ hơn.

Giới chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục chủ trương kích cầu có trọng điểm trong năm nay, thay vì hành động trên diện rộng, nhất là các biện pháp của PBOC. Từ đầu năm đến nay, PBOC chưa có động thái hạ lãi suất nào, một phần vì nhu cầu vay vốn ở nước này đang thấp do tình trạng ảm đạm của thị trường bất động sản. Ông Pan và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về áp lực mất giá đối với đồng nhân dân tệ nếu giảm lãi suất, cho dù sức ép tỷ giá từ phía Mỹ đã giảm bớt do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ giữ một vai trò thấp hơn trong việc kích thích nền kinh tế nước này trong năm nay, trong khi chính sách tài khoá sẽ giữ vai trò quan trọng hơn. Trong đó, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội.

Trước mắt, mối lo lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán nước này. Tính đến phiên ngày thứ Ba tuần này, chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 40% trong vòng 3 năm trở lại đây. “Nhà chức trách rõ ràng đang lo ngại về tâm lý của thị trường”, nhà kinh tế trưởng Raymond Yeung của ngân hàng ANZ Bank nhận định sau khi PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate