Tại hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” ngày 5/10, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc biệt việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong và ngoài nước.
Đặc biệt, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung - cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; làm hạn chế việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương…
Đối với thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tiêu thụ thị trường trong nước xuất phát từ thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 khiến họ phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu suy giảm.
Khi chúng ta thực hiện các biện pháp giãn cách, thì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cũng sụt giảm. Do đó, có nơi có lúc có hiện tượng hàng hoá chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân dẫn đến chi phí tăng lên, tiếp cận của người dân khó hơn.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước
Hơn nữa, trong quá trình phòng chống dịch Covid-19 nhiều địa phương quá chú trọng ưu tiên các biện pháp phòng chống mà không hài hoà với biện pháp phát triển kinh tế, dẫn tới lưu thông hàng hoá bị gián đoạn.
Chính điều này làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời làm tăng chi phí của những sản phẩm hàng hoá tới tay người tiêu dùng.
"Thời gian tới, ngoài các biện pháp về tiền tệ, tài khoá, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì một trong các giải pháp quan trọng là tăng tổng cầu, đặc biệt kích cầu tiêu dùng nội địa", ông Đông nhấn mạnh, đồng thời cho biết sắp tới, Vụ thị trường trong nước sẽ tiến hành nhiều giải pháp để tăng tổng cầu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kết nối cung cầu.
Đơn cử như tái khởi động lại hàng loạt các chương trình kể cả online và offline, khởi động Chương trình khuyến mại quốc gia tập trung…. nhằm kết nối giữa người mua và người bán giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hoá thuận lợi, giá rẻ.
“Chúng tôi tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế để có những hướng dẫn về phòng chống dịch, thích ứng mới với trạng thái bình thường mới nhằm tái khởi động, tái phục hồi nền kinh tế và sản xuất nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch”, ông Đông cho biết.
Mặt khác, cần tránh tình trạng các địa phương đưa ra các biện pháp phòng chống dịch khá cực đoan, trái với chỉ đạo của Chính phủ về việc đảm bảo lưu thông hàng hoá, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc đó tạo ra áp lực rất lớn đối với hàng hoá, lưu thông gây đứt chuỗi cung ứng.
Qua theo dõi tổng mức bán lẻ 9 tháng qua, đặc biệt tháng 8, 9 khi TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách thì tổng mức bán lẻ lần đầu tiên trong lịch sử tăng trưởng âm, âm hơn 7%. Trong khi trước đây thông thường hàng năm, tổng mức bán lẻ trong nước tăng trưởng 9-10%, luôn luôn cao 1,5 lần GDP.
Với việc từng bước khôi phục lại phát triển kinh tế, đặc biệt khi Bộ Công Thương phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện một loạt các giải pháp kết nối cung cầu, kích cầu nội địa với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp bán lẻ… sẽ có sự bứt phá mạnh về tăng tiêu dùng tổng mức bán lẻ.
“Chúng tôi kỳ vọng những giải pháp trên sẽ là đòn bẩy nâng tổng cầu cũng như nâng tổng mức bán lẻ tiêu dùng nội địa lên, góp phần tăng trưởng kinh tế”, ông Đông tự tin.
Tuy nhiên, theo ông Đông, điều này cũng phụ thuộc vào việc chúng ta kiểm soát dịch bệnh như thế nào, thay đổi, thích ứng với chiến lược kiểm soát dịch bệnh ra sao.
Bên cạnh đó, lưu thông là huyết mạch của nền kinh tế, nếu như không giải được bài toán về lưu thông thì không thể phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, vấn đề về thực thi các Chỉ thị chống dịch cần thật sự thống nhất tại các địa phương tránh gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.