May 20, 2024 | 15:48 GMT+7

Kiểm soát lạm phát, tỷ giá, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh

Đỗ Phong -

Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong phiên khai mạc Kỳ họp Thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 20/5/2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đọc báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 .

TĂNG TRƯỞNG GDP CÓ CẢI THIỆN NHƯNG CHƯA QUAY LẠI QUỸ ĐẠO CẦN THIẾT

Về tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá, bên cạnh những kết quả, diễn biến tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024 bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Để nhìn nhận toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn 6 vấn đề.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng, đồng thời, cũng chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại hội trường sáng ngày 20/5/2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại hội trường sáng ngày 20/5/2024.

Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện; hầu như toàn bộ khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics, bảo hiểm vận tải đều do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận.

Thứ hai, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp).

 
Tăng trưởng tín dụng thấp  trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.

Theo Ủy ban Kinh tế, cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Thứ ba, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp  trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức. Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có thời điểm đã vượt 25 nghìn đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới. Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao với khối lượng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây) trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh….

 
Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối…

Thứ tư, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm.

Thứ năm, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối…

Ông Thanh cho biết xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy. Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm.

Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm…

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC NỘI SINH, LÀM MỚI CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHÍNH, THÚC ĐẨY CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các nhiệm vụ khác theo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Theo đó cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện.

Kiểm soát lạm phát, tỷ giá, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh - Ảnh 1

Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay.

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.

Tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại; tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công…

Có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia;

Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh vấn đề giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tình trạng thiếu hụt đất đắp, cát san nền. Triển khai hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực các cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và triển khai hiệu quả các Luật, Nghị quyết Quốc hội đã ban hành. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, người dân.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt và hiệu quả việc cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách cho người có công và các chính sách giảm nghèo bền vững. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tháo gỡ vướng mắc để triển khai hiệu quả chính sách nhà ở xã hội…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate