October 25, 2012 | 14:33 GMT+7

Kiến nghị hàng loạt giải pháp “cứu” bất động sản

Trang Anh

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM vừa kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, số lượng căn hộ tồn kho tại Tp.HCM hiện vào khoảng 40 nghìn.<br>
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, số lượng căn hộ tồn kho tại Tp.HCM hiện vào khoảng 40 nghìn.<br>
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM vừa kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Theo đó, tổ chức này kiến nghị Chính phủ cần gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án, mà không cần phải xét doanh nghiệp có khó khăn về tài chính hay không, và không phải thông qua hội đồng nhân dân cấp tỉnh để tránh cơ chế xin - cho và mất thời gian xét duyệt kéo dài.

Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thuế cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo kết quả kinh doanh sản phẩm bất động sản để phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp, tương tự như dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Ngoài ra, tổ chức này cũng kiến nghị Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 cho tất cả doanh nghiệp bất động sản, thay vì khoanh vùng đối tượng như trong Nghị quyết 13 của Chính phủ.

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, hiện nay có đến 60% tài sản đảm bảo cho các khoản vay là bất động sản, trong khi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo lãi suất mới do nguyên nhân chủ yếu là nợ xấu. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp hợp lý để xử lý nợ xấ thì doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại chủ trương thả nổi lãi suất huy động đối với kỳ hạn trên 12 tháng vì có khả năng làm cho dòng tiền không chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thế chấp bất động sản tại ngân hàng nước ngoài, nhưng việc xử lý những trường hợp bị phát mại bất động sản phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm có chính sách kích cầu tiêu dùng để vực dậỵ thị trường bất động sản. Cần có chính sách tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua nhà để ở, đặc biệt là người mua căn nhà đầu tiên hoặc đang ở chật hẹp, được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các nhà đầu tư thứ cấp cũng được vay vốn để tiếp tục kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt, Quốc hội và Chính phủ cần nới rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại để tăng cầu và góp phần hồi phục thị trường bất động sản.

Cùng với đó, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần điều chỉnh sớm Nghị định 69/2009 và Nghị định 120/2010 về thu tiền sử dụng đất tại các dự án bất động sản, bởi lẽ theo quy định này, doanh nghiệp vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, chính quy định này đã góp phần không nhỏ đẩy giá bất động sản ở Việt Nam lên cao hơn so với các nước trong khu vực.

Đối với UBND Tp.HCM, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng từ 80% đất dự án trở lên để giải phóng diện tích còn lại. Giá bồi thường phần diện tích còn lại được tính không thấp hơn giá bồi thường cao nhất mà doanh nghiệp đã thực hiện tại dự án.

Ngoài ra, Tp.HCM cũng cần tiếp tục xem xét lại các dự án căn hộ có quy mô trung bình và giá cả hợp lý để bổ sung quỹ nhà tái định cư của thành phố để giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Đối với vấn đề thiết kế căn hộ, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM kiến nghị cơ quan chức năng cho phát triển căn hộ vừa và nhỏ dành cho hộ độc thân, hộ có 1 - 2 người với quy mô căn hộ từ 25 - 70 m2.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, hiện các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết đều bị thua lỗ, trong đó có không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được nợ, lãi vay, không thể cơ cấu lại nợ đến hạn, quá hạn, trong khi hàng tồn kho rất cao (trên 40 nghìn căn hộ).
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate