October 17, 2022 | 18:13 GMT+7

Kiến nghị phân bổ 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục

Đỗ Như -

Ngày 17/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022, dự kiến kế hoạch công tác năm 2023, việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng công tác năm 2023 đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành Giáo dục, nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó lớp 2, lớp 6 bắt đầu thực hiện từ năm học 2021-2022, chuẩn bị triển khai các lớp 3, 7, 10; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao.

Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Có 38/38 lượt học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế có 38/38 đều đoạt giải, trong đó có 13 Huy chương Vàng. 

Năm học 2022-2023 được ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” với 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự toán năm 2023 ngành Giáo dục, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay khó khăn hiện nay là chưa có nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục để đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, do đó, rất khó khăn cho việc tổng hợp, đánh giá tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo quy định.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để đảm bảo nguồn lực để ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội khi quyết định dự toán ngân sách hằng năm, quan tâm, đảm bảo tỷ lệ ngân sách nhà nước cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu tại Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội và quy định tại Điều 96 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Quốc hội đưa vào kế hoạch rà soát, điều chỉnh, sửa đổi: Luật Giá 2012; Luật thuế giá trị gia tăng; Luật Ngân sách nhà nước.

Đại diện Thường trực Ủy ban, bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ một số điểm nhấn trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngành Giáo dục. Theo đó, điểm nhấn đầu tiên là hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được chú trọng, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, công tác quản lý trong giáo dục, đào tạo có rất nhiều đổi mới. Bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã quyết liệt, linh hoạt điều hành các hoạt động dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể được coi là một trong những bộ ngành đi đầu trong quá trình chuyển đổi số. Tập trung cải cách hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, góp phần duy trì kỷ cương, nền nếp, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được thực hiện theo đúng lộ trình. Đầu tư cho giáo dục, đào tạo tiếp tục được quan tâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường. Chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã được các địa phương quan tâm thực hiện. Công tác tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên đã được chú trọng.

Tại cuộc làm việc, Thường trực và các Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã trao đổi một số vấn đề giáo dục nhận được sự quan tâm của cử tri và nhân dân như: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiếu giáo viên, giải pháp tuyển dụng giáo viên đảm bảo số lượng, chất lượng; thiếu trường lớp học; đảm bảo bình đẳng trong giáo dục; sách giáo khoa, ngân sách dành cho giáo dục; dạy văn hóa trong trường nghề; phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học; tự chủ đại học và chất lượng đại học; đẩy mạnh văn hóa học đường…

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Thứ trưởng và đại diện các Vụ, Cục đã có những trao đổi. lý giải cụ thể về từng vấn đề quan tâm, trên tinh thần tiếp thu và sẽ có những chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn; đồng thời tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh một số việc ngành Giáo dục đã nỗ lực thực hiện trong giai đoạn khó khăn vừa qua như triển khai bình thường, đúng lộ trình chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh không bình thường; đổi mới với mục tiêu lớn nhưng điều kiện thực hiện còn nhiều khó khăn; đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo hướng tăng cường công khai, công bằng,…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn, với những vấn đề dư luận cử tri còn băn khoăn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ đặt câu hỏi để Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ hội giải trình, làm rõ.

Ghi nhận một số kết quả ngành Giáo dục đã đạt được, tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đưa ra một số gợi ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; xây dựng Luật Nhà giáo; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, trong đó có xây dựng văn hóa học đường; thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; phân luồng học sinh sau THCS; Kỳ thi tốt nghiệp THPT…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate