March 02, 2022 | 07:00 GMT+7

Kinh tế chuyển trạng thái, cơ hội đầu tư gia tăng

Đặng Hương -

Sau một năm liên tục chuyển trạng thái từ lạc quan, đau thương rồi hy vọng do những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế năm 2022 được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ với sự gia tăng các dòng vốn đầu tư...

Triển vọng trung hạn duy trì tích cực khi Việt Nam tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Triển vọng trung hạn duy trì tích cực khi Việt Nam tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, với việc thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội và thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc.

TĂNG TRƯỞNG LẠC QUAN

Cụ thể, theo Tờ East Asia Forum, tăng trưởng xuống thấp trong năm 2021 chỉ là cú “sẩy chân” bất ngờ trước diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với việc tăng nguồn cung vaccine phòng Covid-19 và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế diễn ra trong trạng thái bình thường mới, East Asia tin rằng tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 6-7%.

“Sự trở lại của hàng loạt các nhà máy và các ngành dịch vụ sẽ giúp kinh tế tăng tốc. Du lịch sẽ bắt đầu phục hồi từ mức giảm sâu hơn của năm 2020. Xuất khẩu sẽ tăng khoảng 15% và cán cân thương mại sẽ vẫn ở mức dương. Lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp và tiền VND sẽ tiếp tục tăng giá nhẹ so với USD”, tờ báo nhận định.

Cùng quan điểm, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered, cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý 1/2022. Theo đó, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023.

Đặc biệt, triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực khi Việt Nam tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Nhờ đó, hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi sự hạn chế đi lại do dịch Covid-19.

Trong báo cáo Triển vọng 2022 được VCBS phát hành đầu năm 2022 cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế phục hồi một cách ấn tượng từ 6,8-7,2% nhờ sự hiệu quả của chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh và sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa.

Kinh tế chuyển trạng thái, cơ hội đầu tư gia tăng - Ảnh 1

Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các các quốc gia châu Á và các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

NỀN TẢNG VĨ MÔ ỔN ĐỊNH

Một trong những lý do khiến các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam là do thành công của Việt Nam trong việc đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư tư nhân cũng như quốc tế trong nhiều năm gần đây.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tháng 2/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù tăng trưởng GDP năm 2021 thấp hơn nhiều năm, chỉ 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt nhưng thành tựu quan trọng nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định.

Cụ thể, thu ngân sách nhà nước vượt 16,4% dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh, quy mô vốn hóa tăng trên 46% so với năm 2020, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Trong năm 2021, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. “Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực ở trong nước và trên thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi với tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.

CƠ HỘI LẤN ÁT RỦI RO

Với nền tảng vĩ mô vững chắc, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn cho chương trình phục hồi, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tin rằng kinh tế năm 2022 sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ 6-6,5% khi các cơ hội kinh doanh và đầu tư gia tăng.

Kinh tế chuyển trạng thái, cơ hội đầu tư gia tăng - Ảnh 2

Cụ thể, với từng nhóm nhiệm vụ giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và năm 2023 như: mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đầu tư nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… PGS.TS. Bùi Quang Tuấn kỳ vọng, cầu tiêu dùng sẽ dần phục hồi theo kịp tốc độ phục hồi của thế giới.

Điều này càng trở nên có cơ sở khi khởi đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng so cùng kỳ năm trước lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ngoài ra, việc khôi phục đường bay quốc tế và mở cửa trở lại du lịch quốc tế cũng sẽ đem đến những cơ hội mới để vực dậy ngành hàng không và du lịch sau giai đoạn “đóng băng” vì đại dịch.

Đặc biệt là việc xác định hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế qua đầu tư công với vai trò vốn mồi thu hút các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính tham gia các thành phần của các dự án lớn. Hay nói cách khác, đầu tư công sẽ là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của đầu tư tư nhân. Theo đó, Chính phủ thực hiện vai trò định hướng những hạng mục nào phân bổ tới doanh nghiệp, đồng thời, các doanh nghiệp có thể tự liên kết với nhau để triển khai, đáp ứng yêu cầu của dự án cũng như Chính phủ.

Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược với quy mô lớn, đặc biệt là các dự án triển khai qua hình thức đối tác công tư (PPP) quan trọng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai Hà Nội và TP.HCM, các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cảng biển, cảng hàng không, phát triển đường sắt đô thị, mạng lưới truyền tải trong các dự án điện…

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đối mặt với những rủi ro nhất định. Đó là sự phục hồi có thể bị đe dọa bởi những đợt bùng phát dịch Covid-19. Áp lực lạm phát gia tăng khi thực hiện các gói phục hồi và giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên nhiên liệu sản xuất tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi và chiến sự leo thang tại Nga – Ukraine. Ngoài ra, quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ thực hiện…

Dù vậy, các tổ chức quốc tế nhận định, cơ hội mà nền kinh tế đón nhận trong năm 2022 vẫn sẽ lấn át các yếu tố rủi ro do Việt Nam đã có các kịch bản ứng phó trong điều hành. Đó là việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và chuẩn bị các phương án y tế dự phòng dù Việt Nam là quốc gia đi sau; các gói phục hồi sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ để dòng tiền đi đúng hướng tránh được “vết xe đổ” từng xảy ra trong quá khứ và tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate