Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 với chủ đề “Đô thị thông minh – Kinh tế số - Phát triển bền vững” diễn ra trong hai ngày 2-3/12 tại Hà Nội, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội tổ chức.
Tham dự sự kiện có ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng hơn 700 đại biểu đến từ 28 tỉnh thành phố trên cả nước và đại diện 18 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới; các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức công nghệ thông tin.
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI CHO KINH TẾ ĐÔ THỊ
Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh, trong đó: 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950 (Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030); 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án thành phố thông minh.
Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố/thị xã/quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê, đến tháng 12/2023, Việt Nam có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%, tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) Nguyễn Văn Khoa, bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong trọng biến động không ngừng của chính trị, kinh tế, công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng kinh tế số, công nghệ mới và kinh tế xanh có thể là câu trả lời. Theo đó, kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống; kinh tế xanh tạo ra sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa; và công nghệ mới: là những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghệ ô tô (Automotive).
Cũng theo ông Khoa, mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng Thủ đô Hà Nội đã chọn được cách tiếp cận khác hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả phục vụ, hạnh phúc của người dân. Điều này có thể thấy qua những thành tự lớn mà Hà Nội đã đạt được như: Sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm BTS, và cáp quang tới 100% hộ gia đình; iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản. 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối CSDL quốc gia, và hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai...
TÌM VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ THÔNG MINH
Tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, chia sẻ về đề án “Xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, cũng như những nguồn lực, giải pháp để phát triển thành phố thông minh tại Thủ đô Hà Nội, như một ví dụ điển hình để các tỉnh thành trong cả nước có thể tham khảo.
Theo ông Hùng, để phát triển thành phố thông minh, hàng loạt các giải pháp đã được Thành phố Hà Nội đưa ra như kinh tế, đầu tư – tài chính, quy hoạch, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, truyền thông…
Trong đó, đáng chú ý, đối với giải pháp kinh tế, ông Hùng cho biết phát triển thành phố Hà Nội theo hướng đô thị thông minh đòi hỏi các giải pháp kinh tế phải hỗ trợ mạnh mẽ cho việc ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tối ưu các nguồn lực.
Giải pháp thứ nhất, phát triển kinh tế số và dịch vụ thông minh với mục tiêu Hà Nội sẽ trở thành trung tâm dịch vụ lớn với các lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, du lịch và giáo dục số, ứng dụng AI, Big Data, IoT để nâng cao chất lượng. Trung tâm tài chính quốc tế và triển lãm quốc tế sẽ thúc đẩy hợp tác và thu hút đầu tư vào công nghệ cao.
Giải pháp thứ hai, phát triển khu công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Hà Nội sẽ chuyển đổi khu công nghệ cao, khu công nghiệp theo hướng sáng tạo, tập trung vào sản phẩm giá trị cao, tích hợp công nghệ thông minh trong quản lý, giúp thành phố tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Giải pháp thứ ba, phát triển nông nghiệp thông minh và đô thị sinh thái. Theo đó, nông nghiệp đô thị thông minh sẽ được phát triển, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, bảo vệ môi trường và cung cấp thực phẩm an toàn cho cư dân thành phố, gắn liền với đô thị hóa bền vững.
Giải pháp thứ tư, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Hà Nội sẽ áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó biến đổi khí hậu. Các chính sách về năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và tài nguyên nước sẽ được triển khai nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Giải pháp thứ năm, phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế và thị trường số. Thành phố sẽ phát triển đồng bộ khu vực nhà nước, tư nhân và kinh tế tập thể, đồng thời phát triển các thị trường số, thúc đẩy dịch vụ tài chính, ngân hàng và bất động sản trên nền tảng số.
Một trong những giải pháp quan trọng khác để phát triển thành phố thông minh tại Hà Nội là tài chính - đầu tư, ông Hùng cho biết Thành phố sẽ ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án phát triển hạ tầng thông tin thành phố thông minh, đảm bảo có đủ nguồn lực cho quản trị, vận hành, bảo trì và nâng cấp các hệ thống hạ tầng thông tin. Đầu tư vào hạ tầng thông tin được coi là một trong những lĩnh vực chiến lược, đóng vai trò cốt lõi trong tổng thể phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội của Hà Nội.
“Để phát triển đô thị thông minh một cách hiệu quả, Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế tài chính linh hoạt để hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong việc triển khai các ứng dụng, quản trị và vận hành thành phố thông minh. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro đầu tư mà còn tối ưu hóa sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án phát triển”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thành phố sẽ rà soát và bổ sung các cơ chế, chính sách tài chính để thu hút đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân. Đặc biệt, các mô hình đầu tư công tư (PPP) sẽ được đẩy mạnh với các hình thức hợp tác phổ biến như: Xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), Xây dựng - sở hữu - vận hành - chuyển giao (BOOT), và các mô hình khác. Những mô hình này giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân và quốc tế.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế bảo lãnh cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đô thị thông minh có độ rủi ro cao. Việc rà soát và cải tiến các cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro vận hành và đầu tư sẽ giúp thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư chiến lược.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết Hà Nội sẽ phát triển các mô hình tài chính thông minh để huy động vốn từ xã hội, bao gồm các công cụ tài chính cơ bản như tài trợ bằng nợ, vốn chủ sở hữu, trái phiếu thông minh và tài trợ cộng đồng. Việc sử dụng các công cụ này giúp tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, các sản phẩm và dịch vụ tài chính sẽ được phát triển để phục vụ các đối tượng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, và hộ gia đình. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các dịch vụ tài chính thông minh sẽ là một phần trong chiến lược thúc đẩy kinh tế số và tài chính toàn diện cho thành phố thông minh.
Đối với hoạt động thúc đẩy các hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP), Thành phố sẽ nghiên cứu và mở rộng các hình thức PPP phổ biến trên thế giới như: Nhượng quyền khai thác (Franchise), thiết kế - xây dựng - vận hành (DBFO), và xây dựng - vận hành - quản lý (BOM). Các hình thức này sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm gánh nặng chi phí đầu tư cho ngân sách nhà nước.
Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đầu tư mạo hiểm. Theo đó khuyến khích đầu tư mạo hiểm với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ giúp thành phố phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực đô thị thông minh. Điều này, theo ông Hùng, sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ, quản lý và vận hành đô thị, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án mới mẻ, có độ rủi ro cao.