Tính đến giữa tháng 8/2021 thế giới đã có tổng cộng 176 nhà khai thác di động tại 72 quốc gia/vùng lãnh thổ triển khai mạng 5G thương mại (số liệu của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu - GSA). Cũng theo hiệp hội này, trên toàn thế giới đã có 461 nhà khai thác di động tại 137 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào 5G, thông qua các cuộc thử nghiệm, mua lại giấy phép hay lên kế hoạch hoặc đã triển khai trong thực tế.
5G VÔ CÙNG QUAN TRỌNG VỚI NHÀ MẠNG
Việt Nam không nằm ngoài “quỹ đạo 5G” của thế giới và bắt nhịp rất nhanh, thuộc top những nước đầu tiên triển khai thử nghiệm 5G.
Cuối năm 2020, cả ba nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone, Viettel đã bắt đầu hành trình 5G của mình bằng việc lần lượt công bố thử nghiệm dịch vụ 5G tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và sau đó liên tiếp mở rộng ra các thành phố lớn khác.
Và đến hết năm 2021, mạng 5G đã được ba nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trải nghiệm thực tế cho thấy tốc độ 5G của các nhà mạng lên đến hơn 1 Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ gần như bằng 0. Hơn một năm qua ba nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone, MobiFone liên tục phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật để mở rộng vùng phủ sóng 5G, sẵn sàng chính thức cung cấp thương mại 5G trong năm 2022.
Ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VinaPhone, thuộc Tập đoàn VNPT), cho rằng 5G vô cùng quan trọng với nhà mạng vì những ứng dụng phổ biến của thị trường dựa trên 5G khá nhiều. 5G cũng là “bệ phóng” để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, là động lực để phát triển kinh tế số. “Không phải vô lý mà thế giới coi 5G là một cuộc cách mạng lớn, khác hẳn từ 3G lên 4G”, ông Giang nói.
Chưa có số liệu chính thức ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên, theo tìm hiểu trong năm 2021, VNPT đã đầu tư số trạm 5G nhiều hơn rất nhiều lần so với số trạm 5G được VNPT đầu tư ở thời điểm thử nghiệm. Trong đó nhà mạng tập trung ở một số địa bàn trọng điểm là các khu công nghiệp lớn để phục vụ cho doanh nghiệp (B2B) và các thành phố lớn để cung cấp những dịch vụ cần tốc độ cao (hotspot – bổ sung tăng dung lượng của 5G cho 4G), những địa điểm triển khai dự án thành phố thông minh (smartcity)…
Với Viettel, một lãnh đạo Tổng công ty Mạng lưới Viettel cho biết trong giai đoạn 2020 – 2022, Viettel triển khai mạng 5G diện hẹp theo kiến trúc NSA, thử nghiệm mạng 5G SA và các dịch vụ mới, thử nghiệm và triển khai thiết bị 5G Make in Vietnam. Tính đến thời điểm cuối năm 2021, sóng 5G Viettel đã có mặt ở 16 tỉnh/thành trên cả nước với gần 150 trạm phát sóng 5G- hoàn thành mục tiêu phủ sóng 5G ít nhất 15 tỉnh/thành phố, sẵn sàng chính thức cung cấp thương mại trong năm 2022 này.
Đối với MobiFone, trong năm 2021, nhà mạng cũng đồng loạt triển khai dịch vụ 5G tại nhiều tỉnh, thành. MobiFone cũng xác định công nghệ 5G đóng vai trò quan trọng trong hạ tầng của nền kinh tế số, nền tảng cho việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, theo lãnh đạo nhà mạng này, cơ hội to lớn mà 5G mang lại không chỉ dành riêng MobiFone mà của tất cả các đối tác, khách hàng.
Dịch vụ công nghệ 5G được các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thử nghiệm cũng từng bước chứng tỏ mạng lưới hoạt động ổn định, an toàn và bảo mật. Việc cung cấp triển khai thử nghiệm dịch vụ công nghệ 5G đang giúp các doanh nghiệp viễn thông dần hiện thực hóa các ứng dụng AI, IoT, robot... cho các thành phố thông minh và các doanh nghiệp, đồng thời sẵn sàng cung cấp những công nghệ, hạ tầng tốt nhất để triển khai các giải pháp, dịch vụ và sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin thông minh, thế hệ mới nhất đến các đối tác, khách hàng.
ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN 5G
5G nếu chỉ dừng lại ở dịch vụ tiêu dùng số, chẳng hạn như đáp ứng nhu cầu trải nghiệm video 4K, 8K, hay các ứng dụng mới như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)… thì chắc chắn công nghệ 5G sẽ chưa trở thành động lực phát triển của các doanh nghiệp viễn thông. Nhưng trong xu hướng chuyển đổi số không thể đảo ngược và phát triển kinh tế số - tương lai của Việt Nam – thì đây lại chính là những động lực để 5G cất cánh.
"Tỷ lệ đóng góp của mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025".
Viện Chiến lược thông tin và truyền thông.
Những con robot điều khiển để phát triển kinh tế số, xe không người lái, xe tự hành trong các khu công nghiệp… sẽ trở thành nền tảng để phát triển 5G. Đặc biệt, hơn hai năm qua, đại dịch Covid đã tạo ra sóng gió cho nền kinh tế toàn cầu, gây áp lực lên các hệ thống về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tổn thất nghiêm trọng cho thương mại và du lịch, hay làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng... Trước bối cảnh này, các công ty đang tự đổi mới bằng việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới và tăng tốc chuyển đổi số.
“5G sẵn sàng thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ ôtô, du lịch, năng lượng đến thị trường bán lẻ, sản xuất công nghiệp... Công nghệ này cũng kích hoạt một chu kỳ đổi mới sáng tạo hoàn toàn mới dẫn đến các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới và nhiều hình thức tương tác với khách hàng”, lãnh đạo nhiều nhà mạng nhận xét và cho rằng 5G cũng sẽ thúc đẩy việc tạo ra các ngành và dịch vụ hoàn toàn mới chưa từng xuất hiện.
Theo các phân tích, 5G được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, với dự báo sẽ tạo ra khoảng 13,1 nghìn tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035. Còn theo nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông nói chung phải tập trung phát triển hạ tầng số đây là nền tảng cho kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số. Theo đó, các nhà mạng phải tiếp tục phủ sóng 4G để đảm bảo 100% người dân có sóng di động và chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai 5G trong năm 2022 ngay sau khi cấp phép.
Tại hội nghị tổng kết năm 2021 của Khối Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam là sẽ "trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới", và để làm được điều này, năm 2022 Việt Nam sẽ khởi động nghiên cứu 6G, bên cạnh việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc.