Tại Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2024 phát triển kinh tế số với các trụ cột là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển kinh tế số của các ngành và địa phương, phát triển dữ liệu như là đầu vào của kinh tế số và phát triển quản trị số như là một phương thức quản trị mới online và dựa trên dữ liệu. Phát triển kinh tế số để tạo động lực mới cho kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia.
Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước Covid-19, thậm chí cao hơn, 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ là 26%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng cao như vậy một phần là do năm 2023, lĩnh vực này tăng trưởng -5%.
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho biết lần đầu tiên, Việt Nam đang soạn thảo một bộ luật riêng cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Luật phát triển công nghiệp công nghệ số), dự kiến Quốc hội sẽ thông qua năm 2025.
Với sự ra đời của luật này, Bộ trưởng nhấn mạnh “Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước có một bộ luật riêng về phát triển công nghiệp công nghệ số, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công nghiệp công nghệ số như một ngành công nghiệp nền tảng, làm cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số”.
Công nghiệp công nghệ số là lõi của kinh tế số. Giai đoạn đầu của kinh tế số, tức là trước năm 2025, công nghiệp công nghệ số có thể chiếm tới 60% nền kinh tế số, nhưng về lâu dài, sau năm 2030, sẽ chỉ còn 40%, 30% nền kinh tế số.
Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước có một bộ luật riêng về phát triển công nghiệp công nghệ số, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công nghiệp công nghệ số như một ngành công nghiệp nền tảng, làm cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.
Về phát triển kinh tế số các ngành là sự hội tụ của công nghệ số vào các ngành khác, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương mại, ngân hàng... Sự hội tụ của công nghệ số vào các ngành công nghiệp khác không chỉ là hiện đại hoá, số hoá các ngành công nghiệp này mà còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo thành động lực chính cho tăng trưởng của các ngành. Theo Bộ trưởng, kinh tế số của các ngành sẽ là phần chính của kinh tế số, nó sẽ chiếm tới 70% kinh tế số.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo năm 2024, mỗi bộ ngành và địa phương phải tổ chức một hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế số ngành mình, địa phương mình. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn về đo lường kinh tế số, phát triển kinh tế số của các địa phương.
Về phát triển dữ liệu số như là yếu tố sản xuất mới, là đầu vào của kinh tế số. Dữ liệu số là một loại tài nguyên mới. Tài nguyên này là do con người sử dụng công nghệ số mà sinh ra. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, khi phát triển, con người sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu số. Dữ liệu số phải được tạo ra, mà đầu tiên là các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Chính phủ vừa ban hành một Nghị định về phát triển các cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và cấp bộ ngành.
Theo Bộ trưởng, muốn phát triển kinh tế số nhanh thì phải nhanh chóng xây dựng các cơ sở dữ liệu này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mỗi bộ ngành và địa phương phải có một đề án như đề án 06 của Bộ Công an, các đề án này nên tập trung vào làm dữ liệu cốt lõi của ngành mình, địa phương mình. Tiếp theo là dữ liệu phải được mua bán như là hàng hoá. Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, nhất là các dữ liệu của doanh nghiệp.
Về quản trị số, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng một Kế hoạch hành động về xây dựng Chính phủ số chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Để làm được việc này, tất cả các bộ ngành và địa phương phải kết nối online về Chính phủ. Các bộ ngành và địa phương cũng phải chuyển đổi số các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp mình một cách trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Bộ trưởng cho rằng đây sẽ là một sự thay đổi căn bản về quản trị số của cơ quan nhà nước, cấp trên kết nối trực tiếp vào hệ thống công nghệ thông tin của cấp dưới để lấy dữ liệu phục vụ quản lý đảm bảo chính xác và tức thời, không còn cấp dưới báo cáo số liệu cấp trên bằng văn bản. Sau khi Kế hoạch này được ban hành, sẽ có một hướng dẫn để các bộ ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động của mình.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 2.030.729 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 48,7% so với kế hoạch năm (4.166.517 tỷ đồng).
Lợi nhuận toàn ngành ước đạt 143.501 tỷ đồng , tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 47,4% so với kế hoạch năm (302.670 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 44.829 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 44,1% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).
Đóng góp vào GDP của ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 467.048 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 47,6% so với so với kế hoạch năm (981.865 tỷ đồng).
Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 06/2024 ước khoảng 1.530.719 lao động, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo giao ban quản lý nhà nước tháng 6/2024.