Ngày 13/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá kết quả điều hành giá 7 tháng đầu năm 2021, dự báo và đề xuất các giải pháp điều hành giá trong các tháng cuối năm.
“Việc điều hành giá phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu Quốc hội giao, sát thực tế và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnhh.
"Cần có giải pháp điều hành đạt mục tiêu và không tạo áp lực cho năm 2022, bảo đảm thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Bộ Tài chính - cơ quan thường trực giúp việc của Ban Chỉ đạo được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến kết luận chỉ đạo của Trưởng Ban điều hành giá và ý kiến đề xuất của các Bộ, cơ quan đối với công tác điều hành giá những tháng cuối năm, tính toán hợp lý đối với từng ngành hàng, mặt hàng, thời điểm cụ thể.
Hiện diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến giá cả thị trường. Để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, nhiều địa phương đã ban hành công văn tăng cường công tác quản lý, điều hành giá năm 2021, như Bắc Kạn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thái Nguyên…
Theo đó, các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời tham mưu biện pháp chỉ đạo bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như sản phẩm nông nghiệp tại khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá; chủ động tính toán, xây dựng phương án giá đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền quy định giá của địa phương trong đó đánh giá kỹ liều lượng, mức độ điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.