February 21, 2024 | 09:23 GMT+7

Kon Tum sẽ phát triển thêm 8 cụm công nghiệp

Ban Mai -

Tỉnh Kon Tum sẽ phát triển mới 08 cụm công nghiệp trong gia đoạn 2030 – 2040 tại thành phố Kon Tum, ngành nghề là chế biến lâm sản, nông sản, vật liệu xây dựng, thiết bị vận tải, thiết bị điện, điện tử, may mặc, logistic…

Khu công nghiệp Sao Mai, tỉnh Kon Tum.
Khu công nghiệp Sao Mai, tỉnh Kon Tum.

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, đến năm 2040. Theo đó, thành phố Kon Tum được định hướng phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, giảm thiểu gây tác động môi trường, nhằm góp phần công nghiệp hóa bền vững của tỉnh.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Khu công nghiệp Hòa Bình; Khu công nghiệp Sao Mai; Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề H’Nor; Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung; Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xã Hòa Bình; Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm.

Cũng theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum đến năm 2040, thành phố Kon Tum sẽ phát triển mới 08 cụm công nghiệp phía Nam thành phố (tại xã Hoà Bình và xã Ia Chim) có quy mô diện tích khoảng 569,5 ha (đến năm 2030 có 03 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 210,8 ha; đến năm 2040 có 05 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 358,7 ha). Ngành nghề là chế biến lâm sản, nông sản, vật liệu xây dựng, thiết bị vận tải, thiết bị điện, điện tử, may mặc, logistic… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, sẽ phát triển 01 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại phường Ngô Mây (nằm tiếp giáp với Cụm Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung) có quy mô diện tích 25 ha. Ngành nghề là phân loại, làm sạch, tái chế phế liệu.

Theo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai của các tổ chức được thuê đất tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum (tại thời điểm tháng 10/2022), tại các khu công nghiệp Hoà Bình, Sao Mai, Khu II (thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y), tỷ lệ đưa đất vào sử dụng đạt thấp. Tổng diện tích đất quy hoạch để xây dựng nhà máy, xí nghiệp ở 3 khu công nghiệp trên là 132 ha, nhưng chỉ cho thuê được hơn 59 ha, chiếm khoảng 44,55%. Trong số đó, Khu công nghiệp Sao Mai chỉ cho thuê được hơn 6ha/66ha đất quy hoạch xây dựng nhà máy, xí nghiệp, chiếm 9,08%.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuê đất cũng kém hiệu quả. Trong tổng số 32 dự án của 28 doanh nghiệp tại 3 khu công nghiệp trên, đến thời điểm thanh tra, có 20/32 dự án không hoạt động, ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 62,5%. Trong đó, có 6 doanh nghiệp tại Khu II gần như không có công nhân, không hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng cửa…

Trước những khuyết điểm của các khu công nghiệp, mới đây UBND tỉnh Kon Tum đã có những giải pháp khắc phục.

Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Sao Mai. Trên cơ sở đó, công khai quỹ đất và kêu gọi thu hút đầu tư.

UBND tỉnh cũng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Hoà Bình nhằm đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất công nghiệp để thuận lợi kêu gọi, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất. Nhiệm vụ này Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thành phố Kon Tum và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện, hoàn thành phê duyệt trong quý I/2024.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các trường hợp thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, hoặc chậm tiến độ so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê.

Để khắc phục tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại khu công nghiệp còn kém hiệu quả, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý khu kinh tế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi về đầu tư, tài chính, tín dụng…

Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu các đơn vị được giao nói trên rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính để đôn đốc các chủ đầu tư dự án khẩn trương thực hiện đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Nhiệm vụ này Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND Thành phố Kon Tum và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện, hoàn thành phê duyệt trong quý 1/2024.

Cùng với đó, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức ký hợp đồng thuê đất mới theo quy định đối với các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Khu công nghiệp Hòa Bình sau khi đã thanh lý hợp đồng thuê đất với Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế. Thời gian hoàn thành trong quý 2/2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate