May 19, 2013 | 14:53 GMT+7

Kỳ họp thứ 5 và “nhãn lực tinh tường” của Quốc hội

Nguyên Thảo

“Hơn lúc nào hết, Quốc hội rất cần nhãn lực tinh tường để nhận diện đúng tầm mức của các vấn đề “nước sôi lửa bỏng” hiện nay”

Tràn ngập tâm tư từ các cuộc tiếp xúc cử tri, cũng có nghĩa là trách 
nhiệm của các vị đại diện cho dân càng nặng nề. Không chỉ ở "nhãn lực 
tinh tường" để nhận diện rõ các vấn đề đang đặt ra cho cả trước mắt và 
lâu dài. Mà cao hơn còn là bản lĩnh để bàn, để quyết các giải pháp, 
phương cách giải quyết vấn đề.
Tràn ngập tâm tư từ các cuộc tiếp xúc cử tri, cũng có nghĩa là trách nhiệm của các vị đại diện cho dân càng nặng nề. Không chỉ ở "nhãn lực tinh tường" để nhận diện rõ các vấn đề đang đặt ra cho cả trước mắt và lâu dài. Mà cao hơn còn là bản lĩnh để bàn, để quyết các giải pháp, phương cách giải quyết vấn đề.
499 vị đại biểu Quốc hội khóa 13, sáng 20/5 cùng bước vào kỳ họp thứ 5, kéo dài một tháng tại Thủ đô Hà Nội.

“Hơn lúc nào hết, Quốc hội rất cần nhãn lực tinh tường để nhận diện đúng tầm mức của các vấn đề “nước sôi lửa bỏng” hiện nay”, một vị đại biểu chuyên trách nói với VnEconomy trước thềm kỳ họp.

Tâm tư này cũng được nhiều vị khác sẻ chia. Bởi, tại đây, không chỉ lần đầu tiên việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra mà Hiến pháp đang cần sự thay đổi có tính lịch sử, sửa Luật Đất đai vẫn ngổn ngang trăm mối… Nhìn rộng hơn thì từ kinh tế, xã hội, niềm tin... đều “đang có vấn đề” và sự kỳ vọng ở Quốc hội, đương nhiên vì thế mà cũng lớn hơn.

Mới đây, tại một diễn đàn về kinh tế vĩ mô với sự có mặt của gần 200 quan chức, nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu Quốc hội, một chuyên gia kinh tế đã nêu nhận định: “Đất nước đang rơi vào tình trạng suy thoái toàn diện từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức, giáo dục y tế đến niềm tin, kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, đạo đức”.

Gần hơn, ở phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/5 vừa qua, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sau khi nêu sự cấp thiết phải cứu doanh nghiệp trong nước, đã nhấn mạnh rằng, “tôi thấy nguy cơ lắm”.

Kỳ họp thứ 5 và “nhãn lực tinh tường” của Quốc hội 1Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri Bắc - Trung - Nam đều bày tỏ quan tâm và cả lo ngại tới sự khách quan của những lá phiếu tín nhiệm.

Bà Doan cũng tâm tư, khi ngân sách eo hẹp thì chi tiêu vẫn chưa triệt để tiết kiệm. Sự dàn trải, lãng phí của các chương trình mục tiêu quốc gia từng được phê phán mạnh mẽ ở nhiều diễn đàn và cả trên nghị trường, nhưng nay vẫn thế không thể khắc phục. Vì “ngay trong đại biểu Quốc hội cũng không dám quyết thì còn ai dám quyết”.

Trong khi đó, xem xét “túi tiền” của quốc gia với góc nhìn của người đã đứng đầu ngành tài chính nhiều năm liền, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng ngậm ngùi “tình hình xấu lắm”.

Mức độ lạc quan tại báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội đã giảm đi khá nhiều. Các chuyên gia cũng chẳng mất nhiều thời gian tranh luận xem tăng trưởng và lạm phát ở mức nào thì hợp lý nữa. Bởi CPI thấp chưa hẳn do kiềm chế mà do thiếu tiền. Nhưng tiền có bơm ra thì doanh nghiệp cũng khó hấp thụ vì gần 70% đã báo lỗ. Doanh nghiệp “chết” thì kinh tế khó mà hồi phục…, vòng luẩn quẩn này dù được vẽ đi vẽ lại thì giải pháp hữu hiệu vẫn còn là câu hỏi lớn.

Vậy nhưng, nếu chỉ cảm nhận tình hình qua các báo cáo “tự kiểm điểm” phục vụ cho việc lấy tín nhiệm tại kỳ họp này thì như nhận xét của nhiều vị đại biểu, rằng “dường như đất nước chẳng mấy khó khăn vất vả”. Bởi khó khăn, hạn chế, nếu có cũng khá nhẹ nhàng, còn thành tích vẫn là cơ bản.

Song, nói như đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thì sau gần hai năm, chẳng cần các báo cáo đó, cử tri cũng có thể đánh giá được kết quả công việc của bộ trưởng, huống chi đại biểu của dân có nhiều thông tin hơn để cân nhắc. Vấn đề còn lại là Quốc hội phải xem “y phục” hiện tại có vừa vặn với các vị được lấy phiếu hay quá rộng và cũng có thể là quá hẹp.

Tuy nhiên, “muốn cho Quốc hội nhận diện đúng thì cá nhân được lấy tín nhiệm phải thể hiện dấu ấn. Ví dụ ở cương vị thành viên Chính phủ thì anh phải thể hiện tư tưởng, đưa ra chính sách lớn để cải biến tình hình. Từ đó anh sắp xếp theo lớp lang cái gì trước cái gì sau, khâu nào là khâu cửa mở để giải quyết vấn đề. Chứ còn nhiều anh cứ nói tôi nghiêm cái này, chỉnh cái nọ mà chả cái biến được gì trong tình hình hiện nay, thì không thể đạt tín nhiệm cao”, ông Vân nói.

Đấy là chưa kể, bên cạnh một số vị rất có trách nhiệm với sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, thì vẫn có người hầu như chỉ kể lại công việc của cơ quan mình, ngành mình, chỉ thay ngày tháng và danh xưng, vẫn theo nhận xét của ông Vân.

Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri Bắc - Trung - Nam đều bày tỏ quan tâm và cả lo ngại tới sự khách quan của những lá phiếu tín nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh rằng, không thể xem đây là kỹ thuật mà là vấn đề mang ý nghĩa chính trị. Bởi vậy, hướng dẫn phải chặt chẽ, và tạo điều kiện cho đại biểu đánh giá không ngược ý dân.

Đại biểu của dân đương nhiên phải thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Nhưng dân không chỉ quan tâm đến kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. 26 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của nhân dân với công việc mà ở kỳ họp này Quốc hội sẽ dành liên tục hai ngày để bàn thảo.

Kỳ họp thứ 5 và “nhãn lực tinh tường” của Quốc hội 2Chúng ta đã từng có những yếu kém lỏng lẻo trong quản lý, vậy thì phải xúm nhau vào thực hiện để tạo ra sự đồng thuận. Trong lúc này, không nặng về xử lý, tìm ra để làm cái gì, mà là để khắc phục tình hình. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Mặc dù vậy, thông tin về ý dân với sửa đổi Hiến pháp thế nào hiện còn nhỏ giọt. Sau gần 5 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa có cuộc họp báo nào để công bố kết quả lấy ý kiến. Báo cáo hơn 100 trang của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân cũng chưa được công bố công khai vì "chưa có quy định". Còn thông tin do người phát ngôn của Quốc hội nêu về phương án tên nước tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp dường như cũng chưa hoàn toàn chắc chắn.

Cử tri còn tâm tư về nhiều vấn đề khác. Dù chương trình kỳ họp thứ 5 không có phiên nào Quốc hội nghe báo cáo hay bàn về tình hình biển Đông, song cử tri vẫn đang lo lắng, bất bình trước diễn biến phức tạp ở đây. Họ cũng vẫn không quên "nhắc” các vị đại diện cho mình chuyện công khai hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm tại Vinashin, Vinalines… đã được hứa hẹn nhiều lần giữa nghị trường.

Tràn ngập tâm tư từ các cuộc tiếp xúc cử tri, cũng có nghĩa là trách nhiệm của các vị đại diện cho dân càng nặng nề. Không chỉ ở "nhãn lực tinh tường" để nhận diện rõ các vấn đề đang đặt ra cho cả trước mắt và lâu dài. Mà cao hơn còn là bản lĩnh để bàn, để quyết các giải pháp, phương cách giải quyết vấn đề.

“Chúng ta đã từng có những yếu kém lỏng lẻo trong quản lý, vậy thì phải xúm nhau vào thực hiện để tạo ra sự đồng thuận. Trong lúc này, không nặng về xử lý, tìm ra để làm cái gì, mà là để khắc phục tình hình”, lời của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chắc cũng hợp lòng nhiều cử tri và đại biểu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate