Người dân sẽ cắt giảm chi tiêu cho việc tân trang nhà cửa, mua sắm xe cộ, mua bảo hiểm, mua đồ điện tử đắt tiền, đầu tư chứng khoán.
LẠM PHÁT TĂNG ĐẨY CHI PHÍ TĂNG
Trong báo cáo “Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 1/2023” của ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Infocus Mekong, cho thấy chỉ số lao động việc làm đạt mức cao so với trước dịch Covid-19 dù rằng nhiều công ty bất động sản cho nhân viên nghỉ việc, nhiều nhà máy sai thải nhân sự.
“Đây tín hiệu tốt cho nền kinh tế, nhưng nếu không giải quyết tốt bài toán việc làm thì thất nghiệp cũng sẽ gia tăng”, ông Ralf Matthaes lưu ý.
Theo ông Ralf Matthaes, sau bùng phát dịch Covid-19, các thu nhập khác (không phải lương) của người dân đang tăng trở lại, nhưng vẫn thấp hơn so với trước dịch. Trong đó, thu nhập từ cổ phiếu, đầu tư tiền tệ, gửi tiền tiết kiệm chiếm 35%; bán và cho thuê bất động sản chiếm 32%; bán hàng online chiếm 32% và bán hàng trực tiếp chiếm 27%.
Dù vậy, những cách kiếm tiền truyền thống đang bị tác động tiêu cực khiến niềm tin của người dân giảm phần nào. Điều này cho thấy sự không chắc chắc từ thị trường, nguyên nhân do bong bóng bất động sản, lạm phát có xu hướng tăng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 01/2023 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực thực phẩm và giá thuê nhà tăng cao.
Do đó, nỗi lo lắng lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay không phải là dịch Covid-19, mà là lạm phát gia tăng, tiếp đến là ô nhiễm môi trường, kinh tế tăng trưởng chậm, thất nghiệp gia tăng, rồi mới đến yếu tố tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới kinh doanh.
Thông thường, các khoản chi tiêu cho giáo dục, sức khoẻ chiếm vị trí đầu bảng. Tuy nhiên, khi bùng phát dịch Covid-19 đã qua đi thì chi tiêu cho sức khoẻ giảm đi, do lạm phát tăng nên chi tiêu cho ăn uống cũng tăng mạnh.
Dự báo năm 2023, chi tiêu cho giáo dục vẫn tăng 30%, tiếp đến là chi tiêu cho ăn uống tăng 28%, chăm sóc sức khoẻ tăng 19%, tiện ích gia đình tăng 15%, phương tiện tăng 10%... trong khi các thiết bị điện tử tiếp tục gặp khó khăn. Giải trí và ăn ngoài - lần đầu tiên có triển vọng tăng trưởng kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Do đó, chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu sẽ chiếm 60% tổng chi tiêu của nhiều gia đình và vấn đề tiết kiệm cũng sẽ được đặt ra.
Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng vay ngân hàng và từ các công ty tài chính nhiều hơn, trong khi nguồn vay từ bạn bè, gia đình giảm mạnh.
Mục đích vay của người tiêu dùng cũng thay đổi. Nếu như trước dịch Covid-19, cụ thể là năm 2022 họ vay chủ yếu để kinh doanh, chiếm 36%, rồi mới đến cho tiêu dùng cá nhân, chi tiêu thiết yếu, đầu tư bất động sản, trả nợ… Nhưng năm 2023, mục đích vay chủ yếu cho nhu cầu thiết yếu chiếm 38% và phục vụ nhu cầu cá nhân chiếm 42% rồi mới đến mục tiêu kinh doanh, đầu tư bất động sản…
TIẾP TỤC THẮT CHI TIÊU
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), sau đại dịch Covid-19, mặc dù năm 2022 tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 20%, tuy nhiên cấu trúc tiêu thụ hàng hóa đang dần thay đổi theo chiều hướng tập trung vào những hàng hóa thiết yếu. Có sự dịch chuyển kênh phân phối từ hiện đại sang truyền thống, thị phần bán lẻ hiện đại từ mức 24% trong dịch Covid-19 đã giảm còn 18% trong năm 2022. Điều này đang đi ngược lại với xu hướng của thế giới.
Ông Đức cho biết thêm, xu hướng tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi. Người tiêu dùng chú trọng hơn tới hàng hóa thiết yếu, các hàng hóa được sản xuất theo hướng "xanh" với tiêu chuẩn cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua xu hướng này.
Còn ông Ralf Matthaes cho rằng trong năm 2023, mua sắm online sẽ giảm đi so với năm 2022 vì cuộc sống gần như đã trở lại bình thường sau bùng phát dịch Covid-19.
Dù vậy, xu hướng chính trong năm 2023 vẫn là mua sắm trực tuyến và kênh siêu thị vẫn là địa điểm mua sắm thường xuyên nhất. Những người bán hàng rong và kênh trung tâm mua sắm lớn sẽ tiếp tục gặp khó khăn
Người dân sẽ cắt giảm chi tiêu cho việc tân trang nhà cửa, mua sắm xe cộ, mua bảo hiểm, mua đồ điện tử đắt tiền, đầu tư chứng khoán.
Ông Ralf Matthaes dự báo về tốc độ tăng trưởng cho năm 2023 đối với 5 loại hình bán lẻ chính, đó là mua sắm online tăng trưởng 19%, siêu thị tăng 13%, cửa hàng tiện lợi tăng 7%, chợ bán đồ tươi sống tăng 6%, cửa hàng nhỏ tăng 5%. Riêng bán hàng rong và trung tâm mua sắm lại giảm lần lượt 35% và 4% so với năm 2022.
Năm 2023 cũng cho thấy niềm tin tiêu dùng đang trở lại nhưng chi tiêu sẽ giảm 6% so với năm 2022. Người dân có ý định vay nợ gia tăng nhưng chủ yếu phục vụ trả nợ cũ và nhu cầu thiết yếu.
Chi phí cho giáo dục, ăn uống, chăm sóc sức khoẻ và những đồ dụng tiện ích tăng lên chủ yếu do lạm phát tăng.
Nhu cầu tiêu dùng tập trung cho các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng không thiết yếu sẽ được cắt giảm mạnh.