October 20, 2022 | 19:19 GMT+7

Làm rõ hơn một số khái niệm về rửa tiền

Hiện nay trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền còn nhiều thuật ngữ như “giao dịch có giá trị lớn”, “giao dịch đáng ngờ”, “giao dịch có giá trị lớn bất thường” và “giao dịch phức tạp” chưa có định nghĩa, giải thích tại dự thảo Luật và những cụm từ như “mối quan hệ rõ ràng”, “tăng bất thường” hầu hết mang tính định tính...

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 20/10, Quốc hội tiếp tục nghe Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

SỬA ĐỔI ĐỂ ĐÁP ỨNG THỰC TIỄN

Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bên cạnh việc kế thừa, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động Phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 4 Chương, 65 Điều. Phạm vi điều chỉnh, về cơ bản dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong Phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng quy định việc Phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, trong đó có tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. 

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu một số nội dung sửa đổi liên quan đến quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về phòng, chống rửa tiền.

Về thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.  

Về áp dụng các biện pháp tạm thời: dự thảo quy định rõ các trường hợp thực hiện trì hoãn giao dịch và giao Chính phủ hướng dẫn các yếu tố như “cơ sở hợp lý để nghi ngờ” trên cơ sở thực tiễn công tác phòng, chống rửa tiền; luật hóa quy định về việc miễn trách nhiệm của đối tượng báo cáo tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), bổ sung quy định về thời điểm thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch.

TIỀN ĐIỆN TỬ CÓ THUỘC PHẠM VI TÀI SẢN ẢO KHÔNG?

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định; các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật về các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng với các luật có liên quan, như Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế thống nhất việc quy định các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần nghiên cứu bao quát cả các lĩnh vực khác thuộc đối tượng báo cáo, nhưng chưa được quy định các dấu hiệu đáng ngờ cụ thể (như lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, kinh doanh kim loại quý, đá quý…).

Mặt khác, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, ví dụ như: một số dấu hiệu “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với bên mua bảo hiểm”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”…

Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bảo đảm hợp lý và khả thi.

Đối với một số dấu hiệu đáng ngờ cụ thể, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản tại Điều 27 và phân định phù hợp với hoạt động của các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chứng khoán, ý kiến của cơ quan thẩm tra là cần có quy định về thời gian cụ thể khi xác định các dấu hiệu đáng ngờ.

Hiện nay dự thảo Luật sử dụng nhiều thuật ngữ định tính như “thường xuyên”, “ngắn” , “dài” có thể dẫn đến có cách hiểu và cách áp dụng khác nhau giữa từng đơn vị. Bên cạnh đó, cần cân nhắc quy định tại khoản 3 và khoản 7 vì các hoạt động quy định tại các khoản này đều thực hiện thông qua ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, hiện nay trong dự thảo Luật còn nhiều thuật ngữ như “giao dịch có giá trị lớn”, “giao dịch đáng ngờ”, “giao dịch có giá trị lớn bất thường” và “giao dịch phức tạp” chưa có định nghĩa, giải thích tại dự thảo Luật và những cụm từ như “mối quan hệ rõ ràng”, “tăng bất thường” hầu hết mang tính định tính, cần cân nhắc bổ sung những yếu tố định lượng để bảo đảm rõ ràng, minh bạch và có cơ sở triển khai trong thực tiễn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate