Tại buổi đối thoại “Sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ” ngày 27/9, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019 cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện ở mức độ tốt nhất thế giới từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế trên thế giới.
LAO ĐỘNG VIỆT NAM QUÁ THIẾU CÁC KỸ NĂNG MỀM
Đáng chú ý, trong số 12 trụ cột và 103 tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, trụ cột về kỹ năng tăng 4 bậc, đặc biệt tiêu chí về chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc. Năng suất lao động Việt Nam trong nhiều năm qua có cải thiện trong khu vực ASEAN, đạt bình quân 4,77%/năm chứng tỏ trình độ kỹ năng người lao động đã từng bước được cải thiện và nâng lên.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 tuổi là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm trước.
“Nhìn chung thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng”, bà Lan Anh nhận định.
Đưa ra bức tranh lực lượng lao động Việt Nam, PGS TS Nguyễn Thị Thuận, nguyên Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động Thương binh và xã hội, cho biết người trong độ tuổi lao động hiện là 50,7 triệu người, chiếm 69% dân số. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 70% nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp. Mỗi năm có khoảng 1,5-1,6 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động.
Song dự báo, đến năm 2026 có khoảng 40% người lao động kỹ năng không còn phù hợp với công việc hiện tại. 30% người lao động buộc phải chuyển nghề.
Việc nâng cao kỹ năng cho người lao động cần được đặt ra, khi con số khảo sát cho thấy, ứng viên vào các vị trí như cán bộ chuyên môn, kỹ thuật viên, thợ thủ công trong doanh nghiệp đa số thiếu kỹ năng cần thiết, với tỷ lệ lần lượt là 80%, 83% và 40%.
Dẫn nguồn báo cáo yêu cầu kỹ năng mềm của lao động trong thời kỳ hội nhập của PGS.TS Hà Nam Khánh Giao, Trường Đại học Tài chính – Marketing, cũng lưu ý rằng chương trình đào tạo kỹ năng nặng về lý thuyết. 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm. 37% sinh viên không tìm được việc làm phù hợp do kỹ năng yếu.
40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc. 41% cần thời gian làm quen với công việc. 50% lao động tốt nghiệp phổ thông không có kỹ năng họ cần; lao động tốt nghiệp đại học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. 13% phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng.
Các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cũng từng nhận định, lao động Việt Nam quá thiếu các kỹ năng mềm phục vụ công việc. Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài phải đào tạo lại trước khi sử dụng. 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng.
Bà Vũ Thị Quyên, Sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty We Edit, nêu thực tế, các bạn trẻ còn quá thiếu kỹ năng mềm để đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi làm việc với lao động thiếu kỹ năng mềm, lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy rất “cô đơn”.
Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hướng dẫn lao động trẻ làm việc, giao tiếp. Đơn giản là trình bày file word hay excel, cũng phải có người "cầm tay chỉ việc" cho lao động trẻ.
CẦN SỰ PHỐI HỢP CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN VÀ CHÍNH PHỦ
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đều thừa nhận, ngoài kỹ năng cứng, kỹ năng mềm quyết định tới 75% sự thành công của người lao động. Kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất với lao động là giao tiếp để người khác hiểu ý mình, phối hợp làm việc nhóm, tạo dựng quan hệ với đối tác, tư duy sáng tạo, công nghệ thông tin, cập nhật kiến thức mới … nhưng nhiều lao động không đáp ứng được.
Đại diện VCCI cho rằng bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng, nhất là về công nghệ. Do đó, lực lượng lao động trẻ cũng cần phải được nhanh chóng trang bị các kĩ năng mềm, kĩ năng chuyển đổi, kĩ năng số để có thể thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Nghiên cứu “Đánh giá thiếu hụt về kĩ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ tổn thương” do VCCI và UNICEF thực hiện tháng 09/2020 cũng chỉ ra rằng trên toàn cầu, kỹ năng mềm ngày càng trở nên giá trị và cần thiết hơn so với kỹ năng thuộc về kỹ thuật do ảnh hưởng của số hoá, tự động hoá.
Do đó theo bà Lan Anh, để tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Mà muốn đổi mới, sáng tạo thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.
Bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam, cũng thừa nhận rằng nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, nhiều thanh niên thiếu các kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số và tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ vị thành niên từ 15 -18 tuổi.
Việc xây dựng các kỹ năng mềm từ khi còn trẻ, ví dụ: kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp sẽ giúp thanh niên trở thành những người có khả năng thích ứng và linh hoạt, đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng cụ thể trong công việc.
UNICEF đánh giá cao vai trò không thể thiếu của khu vực doanh nghiệp trong việc thực hiện các quyền, đảm bảo phúc lợi cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Các doanh nghiệp có thể đóng vai trò dẫn dắt, thông qua xác định và giải quyết các tác động của họ đối với trẻ em, đưa vấn đề quyền trẻ em vào chương trình hành động vì sự phát triển bền vững. Đồng thời phát huy thế mạnh của họ để huy động và tác động đến tất cả các bên liên quan cùng chung tay thực hiện hành động.
Kinh nghiệm và các nghiên cứu của UNICEF cũng cho thấy, khu vực tư nhân có tiếng nói riêng, năng lực, nguồn lực và sự đổi mới sáng tạo để phối hợp với các chính phủ, cộng đồng và thanh niên nhằm tác động đến chính sách, xây dựng các chương trình có sức ảnh hưởng, có khả năng mở rộng, bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai của thị trường lao động.