April 04, 2023 | 16:51 GMT+7

Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp quý 1 tại TP.HCM giảm

Phúc Minh -

Số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 1/2023 chiếm tỷ lệ nhỏ so với lực lượng lao động ở khu vực chính thức…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1/2023 của Cục Thống kê TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 27.300 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 27.153 người lao động đủ điều kiện.

Số trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của quý 1/2023 giảm hơn 6.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Số người lao động đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng ít hơn quý 1/2022 khoảng 5.000 người.

Cùng với đó, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lực lượng lao động ở khu vực chính thức. Tính đến ngày 28/2/2023, TP.HCM có hơn 2,5 triệu lao động ở khu vực chính thức tham gia bảo hiểm xã hội, số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 2,45 triệu người.

Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, trong quý 1/2023, cơ quan chức năng đã tiếp nhận gần 146.000 người đăng ký tìm việc làm; các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho gần 81.000 lượt người, đạt 26,9% kế hoạch năm (300.000 lượt người). Trong tháng 3, các thành phần kinh tế đã tạo gần 12.000 chỗ việc làm mới, nâng tổng số việc làm mới trong 3 tháng đầu năm 2023 là gần 37.000, đạt 26,1% kế hoạch năm (140.000 chỗ việc làm mới).

Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong quý đầu tiên của năm 2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 80.600 lượt người (đạt gần 27% kế hoạch năm) và tạo ra 35.575 chỗ việc làm mới. 

So với cùng kỳ năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,16%, số việc làm mới tăng 0,03%. Khảo sát trên 3.900 doanh nghiệp về tình hình cung - cầu lao động cho thấy trong quý 2/2023, có 877 doanh nghiệp cần tuyển gần 14.200 lao động.

Trong quý 2/2023, song song với việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, TP.HCM sẽ tăng cường các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, đẩy mạnh tần suất, nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động. 

Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Đơn hàng của doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị cắt giảm, dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống.

Vì vậy, để hỗ trợ lao động thất nghiệp, giúp lao động tái trở lại thị trường lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố chủ động phương án tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và tổ chức cho người lao động.

Cùng với đó, thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp để giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngoài việc được hỗ trợ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, người lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề.

Sở cũng tiếp tục nắm bắt tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn, phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố rà soát lại các doanh nghiệp còn nợ đọng bảo hiểm xã hội và có khả năng gián đoạn đơn hàng để có kế hoạch xử lý kịp thời, hạn chế tình trạng người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

Để phát huy tối đa vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, nhất là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp. Qua đó, giúp người lao động sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate