November 29, 2022 | 06:00 GMT+7

Lao động mất việc phải nghỉ Tết sớm, giải pháp nào hỗ trợ?

Nhật Dương -

Hiện ngay cả một số doanh nghiệp dù không thực hiện cắt giảm lao động nhưng buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giãn việc, hoặc dự kiến cho người lao động nghỉ Tết sớm và dài hơn mọi năm để chờ đơn hàng mới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay, thị trường lao động đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm. Tuy nhiên, do bị giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải giảm giờ làm của người lao động, thậm chí chấm dứt hợp đồng trước Tết.

KHÔNG CÓ ĐƠN HÀNG, THÊM NHIỀU DOANH NGHIỆP DỰ KIẾN CẮT GIẢM LAO ĐỘNG

Theo báo cáo về tình hình thị trường lao động của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2022 cả nước có 125,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký là 835.000 lao động, tăng 34,3% về số doanh nghiệp và tăng 18% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp tại thời điểm 1/10/2022 tăng 100,8% so với tháng trước và tăng 110,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình chung của kinh tế - xã hội thế giới như xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước còn gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và bị giảm đơn hàng. Đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người lao động.

Tại TP.HCM, đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động (của 26 doanh nghiệp này), chiếm gần 1/5 lao động. Một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm. Trong tháng 10, thành phố đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người.

Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là doanh nghiệp có số lao động đông nhất TP.HCM hiện nay (có khoảng 50.000 lao động làm việc) sẽ cho 20.000 lao động thuộc khối sự nghiệp nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng (từ ngày 1/12/2022 đến ngày 28/2/2023); Công ty TNHH Việt Nam Samho hoạt động trong lĩnh vực giày da (Củ Chi, TP.HCM) dự kiến cắt giảm 1.400 lao động từ tháng 12/2022; Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 lao động từ ngày 1/12.

Tại Bình Dương, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, qua khảo sát các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa thì đa số các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 300 lao động hiện tại vẫn ổn định, không có tình trạng cắt giảm lao động.

Tại một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da dày có tình trạng giảm đơn hàng và hàng hóa không xuất đi được dân đến các doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, giảm cả ngày làm việc thứ 7, hoạt động cầm chừng.

Chính vì vậy, lao động cũng giảm đi thu nhập hàng tháng ảnh hưởng đến cuộc sống, nên có một phần không nhỏ lao động tự xin nghỉ việc vì không đủ trang trải cuộc sống, một số doanh nghiệp khác lại bắt buộc phải cắt giảm lao động lên đến 30%.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động hết hạn hợp đồng, vì hiện tại đơn hàng cho năm 2023 doanh nghiệp vẫn chưa thể xác định là có hay không.

Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn là các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ như: Công ty TNHH gỗ Lee Fu đã cắt giảm gần 60% lao động- tương đương cắt giảm hơn 1.000 người; Công ty TNHH Timber đang tạm hoãn hợp động với 853 lao động trong số 3.466 lao động và một số doanh nghiệp ngành da giày.

Tại An Giang, số lao động đã bị giảm trong vòng một tháng qua và số lao động dự kiến giảm trong 3 tháng tới tổng ước tính là hơn 4.000 lao động. Số lao động này họ đều là lao động phổ thông và chủ yếu thuộc ngành dệt may- da giày.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ LAO ĐỘNG

Cũng theo báo cáo tháng 10 vừa công bố, Cục Việc làm đánh giá rằng nhìn chung, tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động. Lý do cắt giảm lao động của các doanh nghiệp là do ảnh hưởng tình hình kinh tế, tình hình biến động chung của kinh tế thế giới, các khách hàng chính của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề dẫn đến việc không có đơn hàng sản xuất, doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động.

Vì vậy, ngay cả một số doanh nghiệp dù không thực hiện cắt giảm lao động nhưng buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giãn việc hoặc dự kiến cho người lao động nghỉ Tết sớm và dài hơn mọi năm để chờ đơn hàng mới. Từ đó, đời sống của người lao động hết sức khó khăn trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng cao.

Lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội tháng 11/2022. Ảnh - Nhật Dương. 
Lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội tháng 11/2022. Ảnh - Nhật Dương. 

Dự báo, thời gian tới, người lao động sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất việc, giảm giờ làm. Lĩnh vực chịu nhiều rủi ro bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm, y tế, du lịch…Địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đặc biệt là lao động làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để ngăn ngừa thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, Cục Việc làm đề nghị cần thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, cần rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) để có phương án tổ chức kết nối cung – cầu lao động. Đó là tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm…

Đồng thời, cần hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tốt để kịp thời hỗ trợ người lao động bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Song song đó, bố trí nguồn lực để đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỷ đồng để thực hiện ngay trong năm 2022, đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỷ đồng.

Đơn vị này cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, tìm nguồn để tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Chẳng hạn, chuyển nguồn kinh phí còn dư của các chính sách đã cơ bản kết thúc trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sang cho vay giải quyết việc làm như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (khoảng 2.800 tỷ đồng), chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đì khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate