August 09, 2022 | 10:48 GMT+7

Lao động xoay xở kiếm việc, doanh nghiệp chật vật tuyển dụng

Thu Hằng -

Có kinh nghiệm, ngoại ngữ nhưng nhiều lao động đi xuất khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước vẫn phải loay hoay để tìm được công việc với mức lương tương xứng, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động…

Người lao động đi xuất khẩu về đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh - Nhật Dương.
Người lao động đi xuất khẩu về đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh - Nhật Dương.

Nghịch lý này là thực tế đang diễn ra trong công tác giải quyết việc làm cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài khi trở về nước.

VIỆC KHÔNG THIẾU, LAO ĐỘNG VẪN CHẬT VẬT TÌM VIỆC

Về nước cuối năm 2021 sau 10 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Văn Đông (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết đang muốn tìm kiếm công việc đứng máy với mức lương hơn 10 triệu đồng, trước đó công việc này tại Hàn Quốc anh nhận lương gần 40 triệu đồng. Nửa năm loay hoay tìm việc, anh Đông thừa nhận giờ ở Việt Nam không có nhiều công ty tuyển vị trí này, trong khi với những lao động phổ thông như anh sau khi về nước thì kinh nghiệm các công việc khác gần như không có.

Cũng đi lao động ở Hàn Quốc và về nước năm 2021, anh Phạm Văn Lợi (Ba Vì, Hà Nội) hiện đang làm thợ hàn cho một công ty ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc với mức lương gần 10 triệu đồng, nhưng công việc rất vất vả, độc hại. Gần đây thấy có nhiều doanh nghiệp đăng tuyển lao động từng đi xuất khẩu về nên anh muốn tìm công việc khác phù hợp với mức thu nhập tốt hơn.

Mức lương khi còn làm việc ở Hàn Quốc mà anh Lợi nhận được từ 36 – 40 triệu đồng mỗi tháng, song hiện anh chỉ mong tìm được việc có mức thu nhập từ 13 – 14 triệu đồng. Về nước đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các công ty thu hẹp sản xuất, khiến những người lao động như anh Lợi từng rất chật vật tìm việc.

“Thực sự tìm việc phù hợp rất khó. Những lao động như chúng tôi sau khi về nước hầu hết đều qua độ tuổi tốt nhất để xin việc. Với những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tuổi càng cao doanh nghiệp càng thích tuyển dụng vì có kinh nghiệm, nhưng với lao động phổ thông thì doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển người dưới 30 tuổi”, anh Lợi bộc bạch.

Người lao động được tư vấn tuyển dụng từ doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh - Nhật Dương. 
Người lao động được tư vấn tuyển dụng từ doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh - Nhật Dương. 

Dù được đánh giá là có kinh nghiệm, vốn tiếng nhưng thực tế nhiều lao động sau khi từ nước ngoài trở về rất khó khăn để tìm việc, trong khi phía doanh nghiệp vẫn thiếu hụt lao động.

Bà Phạm Thị Luân, Phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Visang Việt Nam - chuyên đào tạo tiếng Hàn online và kết nối nhân sự tiếng Hàn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng 2 vị trí gồm trợ giảng tiếng Hàn và nhân viên vận hành lớp học. Mặc dù số lượng tuyển không nhiều, nhưng qua nhiều kênh khác nhau đến nay vẫn chưa tìm được ứng viên phù hợp.

Theo bà Luân, doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng người thành thạo tiếng Hàn nên những lao động từng làm việc ở Hàn Quốc về nước sẽ có lợi thế lớn vì đã có những hiểu biết và trải nghiệm nhất định về văn hóa, song điểm khó là nhiều ứng viên có thể giao tiếp, nghe nói tốt, nhưng khả năng viết còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết tiếng Hàn của các công ty có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tương đối lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang khó khăn trong tuyển dụng do các ứng viên có nhu cầu tìm việc liên quan đến lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. HCM. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chủ yếu ở các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang hay các tỉnh thành nhỏ hơn. Vì vậy, việc tìm kiếm ứng viên gặp nhiều khó khăn hơn”, bà Phạm Thị Luân thừa nhận.

Là doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều, bà Đào Lan Phương, Quản lý nhân sự Công ty TNHH Intops Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh) – chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho biết, đơn vị đang cần tuyển dụng các vị trí kỹ thuật viên thiết lập chương trình, quản lý kỹ thuật CNC nhưng do đóng tại địa bàn Bắc Ninh nên nguồn cung lao động này rất hạn chế.

Do các ứng viên lo ngại ở xa, muốn tìm công việc chủ yếu quanh Hà Nội, nên dù đơn vị đưa ra mức lương, chế độ hấp dẫn như có xe đưa đón hằng ngày giữa Hà Nội và Bắc Ninh song đến nay vẫn rất khó tuyển.

“Chúng tôi phải tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau như: Mạng xã hội, các trang việc làm hay đăng tuyển tại các khu công nghiệp. Còn với những ứng viên thuộc quản lý cấp cao, doanh nghiệp sẽ sử dụng dịch vụ tìm kiếm qua các công ty săn đầu người”, bà Phương thông tin.

NHIỀU RÀO CẢN, MỨC LƯƠNG CHƯA TƯƠNG XỨNG

Nhiều năm làm công tác tuyển dụng nhân sự, bà Phương cho rằng, thực tế các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản luôn rất chào đón lao động kỹ thuật từ nước ngoài về do lợi thế về vốn tiếng và tác phong làm việc tại nước bạn. Doanh nghiệp tuyển dụng đa dạng từ các nguồn, nhu cầu không phân biệt lao động từ nước ngoài về hay không mà chú trọng vào năng lực, tuy nhiên với những người từ nước ngoài về nếu có vốn tiếng Hàn tốt, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng thành thạo sẽ nhận được mức lương đến 20 triệu đồng tùy vị trí.

Mặc dù vậy, theo bà Phương, qua quan sát mặt bằng chung trong 10 ứng viên, thì chỉ 3 – 4 ứng viên nổi trội để đáp ứng được yêu cầu. Bởi lẽ, thông thường lao động sang nước ngoài chủ yếu làm công việc tay chân, tư duy về kỹ thuật, kỹ năng vẫn thiếu. “Đúng là người lao động từng đi xuất khẩu có lợi thế về vốn tiếng nhưng hầu hết họ chỉ có thể giao tiếp ở mức cơ bản. Nhiều lao động có trình độ tiếng Hàn khá tốt, nhưng đa số chỉ thành thạo phần nói, phần đọc viết rất hạn chế, nếu không có chuyên môn về các mảng kỹ thuật đang tuyển thì công ty cũng chỉ có thể nhận vào làm lao động phổ thông”, bà Phương thừa nhận.

Doanh nghiệp tìm đến các phiên giao dịch việc làm để tuyển lao động. Ảnh - Nhật Dương. 
Doanh nghiệp tìm đến các phiên giao dịch việc làm để tuyển lao động. Ảnh - Nhật Dương. 

Ông Kim Jin Ho, Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Cap Global tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình), cho biết doanh nghiệp cũng đang cần tuyển quản lý sản xuất với mức lương khởi điểm từ 8 – 15 triệu đồng, nếu kỹ năng tốt trong quá trình làm việc ứng viên có thể nhận mức lương từ 20 – 30 triệu đồng. Theo ông, đơn vị yêu cầu ứng viên nói được tiếng Hàn tốt và thành thạo kỹ năng song việc tuyển dụng vị trí quản lý rất khó do lao động đi Hàn Quốc về Việt Nam chủ yếu là lao động trực tiếp, thiếu kỹ năng quản lý.

Ở phía đơn vị kết nối cung cầu lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, điều băn khoăn lớn nhất của nhóm lao động từng đi xuất khẩu về là liệu có tìm được công việc phù hợp với tay nghề, trình độ, nhất là mức thu nhập có tương xứng.

“Tôi đã trực tiếp trao đổi với nhóm lao động này, được biết khi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản họ có mức thu nhập tương đối cao, nhưng về Việt Nam thì các vị trí việc làm đều có mặt bằng chung về mức chi trả lương từ các doanh nghiệp, chúng ta không thể đòi hỏi cao hoặc ngang như ở các nước bạn được. Điều này cũng là rào cản về mặt tâm lý khiến nhiều lao động khó khăn khi tìm việc, bởi lẽ họ thấy là quá thấp so với mức lương 30 – 40 triệu đồng đang nhận được bên nước ngoài, trong khi ở Việt Nam chỉ hơn 10 triệu đồng”, ông Thành thông tin.

Qua nắm bắt tâm tư của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thời gian tới với nguồn dữ liệu từ số lao động đi xuất khẩu về nước, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động kết nối tuyển dụng, phần nào hỗ trơ lực lượng này tìm việc đảm bảo cuộc sống.

Ông Thành cũng khuyến cáo để tránh bị lừa đảo trong tuyển dụng, người lao động nên tìm đến các đơn vị cung ứng dịch vụ việc làm chính thống của các tỉnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate