September 14, 2023 | 08:39 GMT+7

Lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán gia cầm lậu

Chu Khôi -

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn số 6431/BNN-TY ngày 13/9/2023 gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam…

Con giống gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc về được bán công khai.
Con giống gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc về được bán công khai.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết hàng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu số lượng lớn các giống gia cầm để phục vụ sản xuất trong nước.

Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hơn 3,8 triệu con giống gà, vịt; năm 2022 nhập khẩu gần 3,4 triệu con giống gà, vịt các loại trong đó giống gà trắng nuôi lấy thịt gần 2,2 triệu con, gà lông màu nuôi lấy thịt hơn 723.000 con, còn lại là con giống gà hướng trứng và vịt giống. Trong 8 tháng năm 2023, Việt  cũng nhập khẩu khoảng 2 triệu con giống gà các loại.

CHỐNG NHẬP LẬU GIA CẦM: TRÊN NÓNG, DƯỚI LẠNH

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đưa ra kịch bản dự báo về sản xuất và thương mại gia cầm giai đoạn 2024 – 2030: Tổng đàn gia cầm sản xuất hàng năm từ nay đến năm 2030 dự báo đối với gà thịt lông trắng đạt 240 - 250 triệu con, gà thịt lông màu 850 - 900 triệu con, gà đẻ trứng 80 - 85 triệu con, vịt thịt 60 - 65 triệu con và vịt đẻ trứng 34 - 35 triệu con. Dự báo giai đoạn 2024 - 2030, nhập khẩu giống gia cầm hàng năm sẽ ở mức 3 - 3,5 triệu con/năm.

Theo ông Sơn, trong số 3,4-3,8 triệu con giống gia cầm nhập khẩu về hàng năm, thì có đến 1,5-2 triệu con giống nhập lậu, chủ yếu là các giống gà lông màu thả vườn, vịt, ngan, ngỗng… 

 

“Các giống gà, vịt nhập lậu về do không được tiêm phòng vaccine, lại nhiễm sẵn nhiều mầm bệnh, khiến tỷ lệ chết rất cao. Rất nhiều con giống nhập về nuôi sau 1-3 tháng thì mắc bệnh marek và chết, khiến nông dân thua lỗ nặng nề”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Vào tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp ký Công điện số 426/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Thế nhưng, đến nay tình trạng nhập lậu gia cầm giống diễn biến vẫn hết sức phức tạp.

"Dường như, có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong “cuộc chiến” với gia cầm giống nhập lậu tại các tỉnh, thành phía Bắc”, ông Sơn nhận định.

Điều tra của một nhóm phóng viên cho thấy, hàng chục "trùm buôn", đầu nậu gà, vịt giống "Tàu" khét tiếng ở miền Bắc, mỗi trùm buôn này nhập về hàng chục vạn con gà, vịt giống mỗi ngày.

Các trùm nhập lậu gà “đóng đô” nhiều ở khu vực mặt đường quốc lộ 1 qua địa phận huyện Phú Xuyên, gần Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên – đây được coi là “thủ phủ” kinh doanh giống gia cầm lậu. Trong đó, những đại lý chuyên bán “gà vịt Tàu" có tiếng ở khu vực này phải kể tới đại lý Thúy Bộ, Ngọc Hải và Tuyên Hạnh... Ngoài ra, một số trùm nhập lậu gà giống kinh doanh ở địa bàn Hưng Yên, Hải Dương.

Đến Phú Xuyên, đâu đâu cũng mua được gà, vịt giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, với những giống: gà chíp, K8, K9, gà Phượng; vịt bơ; ngan 74, ngan 76... Theo chủ đại lý gia cầm giống Thúy Bộ, ở khu đường tàu gần Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, mỗi ngày cơ sở này nhập về 2 chuyến ô tô chở gia cầm giống, với lượng khoảng 20 vạn con giống/ngày.

"Ngan “Tàu” có 2 giống chỉ yếu là ngan 71 và ngan 76, giá con giống 7.000 - 8.000; Vịt bơ “Tàu” con giống loại 1 giá 20.000 - 21.000 đồng/con, Vịt bơ “Tàu” loại 2 giá 16.000 đồng/con. Còn gà chíp Tàu thì lúc nào cũng có, cần bao nhiêu cũng có. Gà chíp thì đảm bảo 100% là con trống hết, có cả chíp vừa nở và chíp choai”, chủ đại lý Thúy Bộ tiết lộ.

Cũng kinh doanh giống gia cầm Trung Quốc nhập lậu, chủ cơ sở Linh - Đạt không chỉ bán hàng tại nhà, mà còn lập nhóm Zalo và mời khách hàng vào nhóm. Mỗi lần hàng về là Linh quay video rồi đăng lên nhóm để báo giá, bởi khác với giống gia cầm trong nước (thường ổn định về giá), các giống gia cầm nhập lậu mỗi ngày một giá khác nhau nên không thể báo trước.

Theo chủ cơ sở Doãn Phương (chủ lò ấp trứng gia cầm ở thôn Thượng Yên, gần Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên), gà giống từ Trung Quốc nhập về “đi đường biển”, vì nếu đi theo đường biên giới thì sẽ bị các cơ quan chức năng soi camera rất gắt, rất dễ phát hiện. “Thương nhân Việt Nam và Trung Quốc phải giao hàng ở giữa biển, đến phao số 0 thì hai bên trao đổi nhau”, ông Phương thông tin.

KIỂM SOÁT CHẶT, XỬ LÝ NGHIÊM NHẬP GIA CẦM TRÁI PHÉP

Trước thực trạng nhập lậu gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, ngày 13/9/2023, Thứ trưởng Bộ Nông và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ký công văn số 6431/BNN-TY gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tiếp tục ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Công văn nêu rõ, theo phản ánh của các cơ quan truyền thông, thời gian qua trình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp tại các địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao; nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tiếp tục xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam và lây lan sang các địa phương khác, làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân.

Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Để tăng cường kiểm soát vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam. 

 

"Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh)".

Theo Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ hai: Chỉ đạo lực lượng có liên quan lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Thứ ba: Chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của địa phương cần chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động 2 vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào Việt Nam.

Thứ tư: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Thứ năm: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép. Đồng thời, tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate