Chiều 11/3, liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố tăng giá các mặt hàng xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Trong kỳ điều hành lần này, liên Bộ không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với các mặt hàng xăng dầu (kỳ trước dầu mazut trích lập ở mức 300 đồng/kg). Đồng thời, tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 lên mức 750 đồng/lít (kỳ trước chi 250 đồng/lít), xăng RON95 lên mức 1.000 đồng/lít (kỳ trước chi ở mức 220 đồng/lít), dầu diesel lên mức 1.500 đồng/lít (kỳ trước chi ở mức 300 đồng/lít), dầu hỏa chi ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi) và dầu mazut không chi.
Sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 28.985 đồng/lít (tăng 2.908 đồng/lít so với giá hiện hành) nếu không chi quỹ BOG ở mức 750 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 3.658 đồng/lít và giá bán sẽ là 29.735 đồng/lít.
Xăng RON95-III: không cao hơn 29.824 đồng/lít (tăng 2.990 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành) nếu không chi quỹ BOG ở mức 1.000 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 3.990 đồng/lít và giá bán sẽ là 30.824 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 25.268 đồng/lít (tăng 3.958 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành) nếu không chi quỹ BOG ở mức 1.500 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 5.458 đồng/lít và giá bán sẽ là 26.768 đồng/lít.
Dầu hỏa: không cao hơn 23.918 đồng/lít (tăng 3.940 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành) nếu không chi quỹ BOG ở mức 300 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 4.240 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.218 đồng/lít.
Về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, liên Bộ cho biết thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ucraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 01/3/2022 và kỳ điều hành ngày 11/3/2022 là: 132,251 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 20,906 USD/thùng, tương đương tăng 18,77% so với kỳ trước); 135,750 USD/thùng xăng RON95 (tăng 21,543 USD/thùng, tương đương tăng 18,86% so với kỳ trước; 135,249 USD/thùng dầu hỏa (tăng 26,817 USD/thùng, tương đương tăng 24,73% so với kỳ trước); 145,191 USD/thùng dầu diesel (tăng 32,53 USD/thùng, tương đương tăng 28,87% so với kỳ trước); 647,848 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 109,00 USD/tấn, tương đương tăng 20,23% so với kỳ trước).
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành gần đây, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-400 đồng/lít.
Kỳ điều hành lần này, trước diễn biến tăng giá mạnh của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý.
Theo đó, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu và tăng mạnh mức chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa để hạn chế mức tăng giá các mặt hàng xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn giá thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh
Đồng thời tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước và duy trì hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.