May 15, 2024 | 16:24 GMT+7

Lắt léo đường dây “chạy án” cho ông trùm mua bán hóa đơn trái phép

Đỗ Mến -

Ngày 15/5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ chạy án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 2 bị can Đoàn Thị Bích Liên (SN 1971,ở Hà Nội) , Trần Gia Hòa (SN 1977, ở Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Nguyễn Thanh Toàn (SN 1985, Giám đốc điều hành Công ty TNHH nước giải khát cà phê Lekofe) cùng 10 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ.

Các bị can Đỗ Văn Đức (SN 1991, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Yuki), Trần Ngọc Tú SN 1990, Giám đốc Công ty Yuki) cùng 2 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Môi giới hối lộ.

Theo Kết luận điều tra, ngày 18/9/2023, Nguyễn Hoài Sơn bị Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Hòa Bình thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp về hành vi Mua bán trái phép hóa đơn.

Các đối tượng mua bán hóa đơn cùng với Nguyễn Hoài Sơn gồm: Lê Thanh Phúc, Hồng Minh Đạt, Tưởng Thanh Tri, Đường Trung Trực, Phạm Bình An, Phan Quang Tây… đã thông báo cho nhau lẩn trốn.

Nhóm đối tượng trao đổi với nhau tìm cách lo cho Nguyễn Hoài Sơn được tại ngoại, giảm nhẹ tội để bản thân không bị cơ quan Công an phát hiện, bắt, xử lý, giảm nhẹ trách nhiệm liên quan...

Kết quả điều tra xác định, nhóm mua bán trái phép hóa đơn và Nguyễn Thị Trúc Giang (em gái của Nguyễn Hoài Sơn) đã gom góp được gần 4,9 tỷ đồng để chạy án cho Sơn.

Nhóm này đã chuyển số tiền chạy án cho bị can Tưởng Hữu Hạnh và sau đó Tưởng Hữu Hạnh chuyển cho bị can Nguyễn Thanh Toàn để tìm mối chạy án cho Sơn được tại ngoại.

Theo kết quả điều tra, sau khi nhận được yêu cầu tìm hiểu thông tin và chi phí để chạy án cho Nguyễn Hoài Sơn, Nguyễn Thanh Toàn nhờ Đỗ Văn Đức tìm hiểu cơ quan nào đã bắt giữ, chi phí để chạy án là bao nhiêu.

Anh Đinh Công Q., đang công tác tại Công an tỉnh Hòa Bình, biết việc Nguyễn Hoài Sơn bị bắt giữ về tội mua bán trái phép hóa đơn và có trao đổi với một người bạn. Người này đã thông tin lại cho Đỗ Văn Đức.

Nắm được thông tin này, Đỗ Văn Đức đã nhờ và được anh này dẫn đến gặp Phó Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình. Tại đây, bị can Đức đã hỏi anh về tình hình của Nguyễn Hoài Sơn nhưng người này không cung cấp thông tin và yêu cầu Đỗ Văn Đức ra về.

Cùng lúc đó, thông qua bị can Nguyễn Doãn Hào, Nguyễn Khắc Tiệp, Nguyễn Thanh Toàn và Đỗ Văn Đức nhờ Đoàn Thị Bích Liên lo cho Sơn tại ngoại.

Do cần tiền chi tiêu, Liên đưa ra thông tin gian dối mình là người nhà của lãnh đạo Bộ Công an, sẽ lo được cho Sơn được tại ngoại trong thời gian từ 7-10 ngày.

Tối ngày 9/10/2023, Liên hẹn gặp nhóm Nguyễn Doãn Hào tại quán cà phê Sen (Hà Nội) và nhận 2,3 tỷ đồng. Bị can đã viết giấy vay tiền, trong khi phía nhóm chạy án bí mật quay clip.

Tuy nhiên, hết thời hạn mà Liên hứa hẹn, Sơn vẫn không được tại ngoại. Do đó, Đỗ Văn Đức đã đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tự thú hành vi phạm tội của mình và các đối tượng liên quan.

Kết quả điều tra xác định, quá trình thực hiện hành vi phạm tội, nhóm mua bán trái phép hóa đơn liên hệ với nhau qua mạng xã hội như Telegram, Viber, WhatsApp được đăng ký bằng các sim rác, sau khi liên hệ, trao đổi đều vứt bỏ sim, điện thoại.

Đối với Tưởng Hữu Hạnh đã chết tại địa phương nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với Nguyễn Hoài Sơn, sau khi bị bắt giữ, bị can không biết việc các đối tượng ở bên ngoài chạy án cho mình nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm.

Theo kết luận điều tra, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn đã gom tiền với mục đích chạy án cho Nguyễn Hoài Sơn nhằm làm giảm trách nhiệm liên quan.

Đặc biệt có đối tượng đưa ra thông tin mạo danh người nhà lãnh đạo Bộ Công an để tổ chức chạy án cho Nguyễn Hoài Sơn. Hành vi của các đối tượng xâm phạm đến uy tín, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate