Ngày mai – 6/5/2023, Vương quốc Anh sẽ tổ chức lễ đăng quang của Vua Charles III, đây sẽ là lễ đăng quang đầu tiên tại đất nước này sau hơn 70 năm. Công tác chuẩn bị và diễn tập đang vào giai đoạn hoàn tất, các nhà lãnh đạo thế giới, người nổi tiếng, hoàng gia nước ngoài… đều đã lên đường tới tham dự buổi lễ. Trong khi đó, những người dân ở Vương quốc Anh hiện đang có những ý kiến trái chiều về chi phí cho lễ đăng quang của Vua Charles III trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
MỘT KHOẢN CHI KHỔNG LỒ
Theo tờ Euro News, chi phí cho 3 ngày diễn ra lễ đăng quang sẽ vào khoảng 113 triệu euro (100 triệu bảng Anh). Tuy nhiên, cũng như các lễ kỷ niệm và các sự kiện tương tự khác, tổng chi phí chỉ có thể được thống kê chính xác vào nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau sự kiện. Cung điện Buckingham cho biết hôm thứ Ba vừa qua rằng họ sẽ công bố chi tiết về chi phí của lễ đăng quang “vào đúng thời điểm”.
Không giống như đám cưới do Hoàng gia chi trả, lễ đăng quang là một nghi lễ của nhà nước do đó sẽ dùng ngân sách công, và điều này đồng nghĩa với việc những người dân nộp thuế sẽ thanh toán khoản chi này. Phần lớn chi phí của gia đình hoàng gia cũng được chi trả bởi khoản thanh toán của người dân hàng năm, được gọi là Trợ cấp có chủ quyền. Vào năm 2022, khoản trợ cấp này được đặt ở mức tương đương 97 triệu euro, nghĩa là khoảng 1,50 euro cho mỗi người dân ở Vương quốc Anh. Hầu hết các khoản thanh toán dành cho việc bảo trì tài sản, chi phí trả lương, chi phí đi lại và các sự kiện.
Vào năm 1953, lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II đã tiêu tốn 1,5 triệu bảng Anh - tương đương với 56 triệu euro hiện nay. Chi phí được ước tính tăng gấp đôi cho lễ đăng quang của Vua Charles III chủ yếu là do vấn đề an ninh, đặc biệt là khi nói đến nguy cơ tấn công khủng bố tiềm ẩn - điều mà vào những năm 1950 sẽ không phải là vấn đề lớn. Tờ The Sun cho biết sẽ có khoảng 11.500 cảnh sát có mặt ở khắp nơi để đảm bảo an ninh trật tự.
Tuy nhiên, trong khi Vương quốc Anh đang phải chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với giá lương thực và năng lượng tăng vọt, nhiều người dân trên mạng xã hội đã chỉ trích Hoàng gia vì tổ chức một sự kiện xa hoa như vậy. Theo tờ Standard của Anh, các nghị sĩ đảng Lao động đã kêu gọi làm rõ hơn về chi phí cuối cùng, viện dẫn các cuộc đình công đang được thực hiện trên khắp đất nước bởi những người lao động, bao gồm cả y tá và bác sĩ cơ sở.
Nghị sĩ đảng Lao động Richard Burgon đã tiết lộ tại Hạ viện trong tuần qua: “Nhà vua có tài sản cá nhân được báo cáo là 1,8 tỷ bảng Anh và nhà vua đã được hưởng lợi từ việc không phải trả thuế thừa kế, thật dễ hiểu tại sao rất nhiều người không hài lòng với việc dùng tiền công để chi trả cho lễ đăng quang”.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của YouGov, 51% người Anh không nghĩ rằng lễ đăng quang không nên được chi trả bằng tiền công, so với 32% người ủng hộ và 18% “không có ý kiến”. Đại diện Hoàng gia Anh cho biết, Vua Charles III đồng cảm với những ý kiến này và đã quyết định “tiết giảm” nhiều nghi lễ, buổi lễ sẽ ngắn gọn hơn, mời ít người hơn so với lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth năm 1953. Nhà vua cũng sẽ chọn mặc quân phục thay vì trang phục đăng quang được đặt làm riêng và rất đắt tiền.
MANG VỀ 1,5 TỶ USD GDP CHO NỀN KINH TẾ
Ở chiều ngược lại, một số người cho rằng việc tổ chức lễ đăng quang là rất “đáng đồng tiền bát gạo”. Họ lập luận rằng bản quyền truyền hình trên toàn thế giới cho buổi lễ sẽ trang trải chi phí và khách du lịch đến dự lễ đăng quang sẽ giúp ích cho nền kinh tế của đất nước. Theo công ty tư vấn Brand Finance, đám cưới của William và Kate đã mang về hơn 1,5 tỷ euro cho nền kinh tế Anh chỉ trong năm 2018.
Tờ CNN bình luận, sự kiện lịch sử này có thể giúp nâng cao tâm lý và chi tiêu ngay lập tức trong một nền kinh tế đang bị bao vây bởi các cuộc đình công, lạm phát cao và mức sống giảm. James Hardiman, nhà phân tích cấp cao tại British Retail Consortium, cho biết: “Doanh số bán lẻ thường được thúc đẩy bởi các sự kiện lớn của quốc gia. Vì lễ đăng quang của Nhà vua sẽ là một sự kiện lịch sử, chúng tôi mong đợi một sự gia tăng thậm chí còn lớn hơn các sự kiện trước đây”.
Năm ngoái, doanh số bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng trong tuần lễ xung quanh ngày 5/6 —lễ kỷ niệm Năm Thánh Bạch Kim của Nữ hoàng Elizabeth — đã vượt mức 87 triệu bảng Anh (108,7 triệu USD) so với các tuần trung bình của năm 2022, theo dữ liệu của Kantar.
Năm nay, các nhà bán lẻ ở Vương quốc Anh đã đưa ra rất nhiều vật phẩm lưu niệm và hàng tiêu dùng để đánh dấu lễ đăng quang đầu tiên của nước Anh sau 70 năm — từ hộp bánh quy kỷ niệm, gấu bông và túi tote cho đến nến thơm, đệm ngồi và bộ tách trà. Chuỗi siêu thị Marks & Spencer hy vọng sẽ bán được hơn 1 triệu hộp trà và bánh quy kỷ niệm. Các cửa hàng tạp hóa như Tesco và Waitrose đang bán các loại bánh ngọt, bánh mì sandwich, bánh mì kẹp xúc xích và bánh mì cuộn xúc xích lấy cảm hứng từ lễ đăng quang nhằm tận dụng cơ hội tăng doanh thu.
Cửa hàng bách hóa John Lewis đã phải giới hạn việc mua Gấu Lewis đăng quang tại cửa hàng của mình xuống còn hai con cho mỗi hộ gia đình và chú gấu bông này đã hết hàng trực tuyến. Đối với những người có hầu bao rủng rỉnh đang tìm kiếm thứ gì đó sang trọng hơn, các thương hiệu hàng xa xỉ của Anh cũng đã nắm bắt cơ hội tiếp thị. Boodles, một thương hiệu kim hoàn, đã cho ra mắt chiếc nhẫn Đăng quang Gemini có một không hai, trị giá 395.000 bảng Anh (496.000 USD), Deakin & Francis đang bán khuy măng sét bằng bạc cho Lễ đăng quang trị giá 340 bảng Anh (425 USD)…
Sự kiện hoàng gia cũng sẽ mang lại một sự thúc đẩy quan trọng cho lĩnh vực khách sạn của Vương quốc Anh, vốn hầu như không phục hồi sau đại dịch Covid khi bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt. CEO Kate Nicholls của UK Hospitality cho biết tại London, công suất sử dụng phòng của các khách sạn vào dịp lễ đăng quang là 96%.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh ước tính mức tăng 337 triệu bảng Anh (420 triệu đô la) từ lượng khách du lịch và chi tiêu trong ba ngày cuối tuần, bao gồm cả ngày nghỉ lễ 8/5. VisitEngland, một cơ quan du lịch, ước tính rằng mức tăng từ du lịch nội địa tăng vào cuối tuần sẽ cao hơn nhiều ở mức 1,2 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD).
Từ Scotland, bất chấp cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhiều địa phương dự định tổ chức ăn mừng lễ đăng quang với tất cả sự vui tươi và náo nhiệt. Tại thị trấn Morecambe, người dân cho biết sẽ cố gắng phá kỷ lục Guinness cho bữa tiệc đường phố lớn nhất. "Chế độ quân chủ mà chúng ta có ở Vương quốc Anh đem lại sự tò mò cho cả thế giới", ông Anderson đại diện cho trụ sở của Ashfield ở Nottinghamshire và mới được bầu vào quốc hội nói. "Hoàng gia Anh tạo ra hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ bảng Anh mỗi năm. Vì vậy, tôi rất mong chờ ngày đăng quang. Cả thế giới sẽ đổ dồn sự chú ý vào nước Anh, không chỉ trong 3 ngày mà kéo dài rất lâu sau đó”.