March 10, 2024 | 13:54 GMT+7

Lễ hội Áo dài truyền thống: Sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của Việt Nam

Mộc Minh -

Lễ hội Áo dài là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo hàng năm của Việt Nam, truyền cảm hứng về Áo dài truyền thống của dân tộc Việt đến người dân TP.HCM và bạn bè quốc tế, thu hút ngày càng nhiều du khách…

Áo dài đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Áo dài đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Lễ hội Áo dài TP.HCM kéo dài từ ngày 07-17/3/2024 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Trong đó, hàng loạt chuỗi hoạt động mang tính tương tác trực tiếp cao với cộng đồng như: chương trình nghệ thuật về áo dài, chương trình đồng diễn với áo dài, các cuộc thi về áo dài, Không gian triển lãm và tương tác áo dài gắn với các làng nghề dân gian và biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật phi vật thể... Đặc biệt, chương trình tặng áo dài cho hội viên phụ nữ, nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, lễ hội Áo dài thật sự là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo hàng năm, truyền cảm hứng về Áo dài truyền thống của Việt Nam đến người dân TP.HCM và bạn bè quốc tế, thu hút ngày càng nhiều du khách.

Các lãnh đạo TP.HCM tham gia chương trình Lễ hội Áo dài 2024.
Các lãnh đạo TP.HCM tham gia chương trình Lễ hội Áo dài 2024.

"Chúng tôi hy vọng các hoạt động của lễ hội năm nay sẽ mang lại cho công chúng và du khách những trải nghiệm ấn tượng và đầy cảm xúc về nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng như quảng bá Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Cần tiếp tục phát huy và có nhiều ý tưởng sáng tạo, hấp dẫn hơn nữa cho chặng đường dài tiếp theo của lễ hội hàng năm", ông Dũng nói.

Sự kiện năm nay cũng mang đậm yếu tố hội nhập thông qua tọa đàm “Nét đẹp Áo dài Việt và hội nhập quốc tế” tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa các nước. Lễ hội chính thức xác lập kỷ lục Việt Nam “Lễ hội Áo dài được tổ chức thường niên liên tục nhất Việt Nam”.

Đặc biệt, đêm Nghệ thuật Áo dài Việt Nam (đêm 08/3) với sự tham gia của 20 bộ sưu tập của các nhà thiết kế (mỗi bộ sưu tập có khoảng 15 đến hơn 20 thiết kế), giới thiệu hàng trăm mẫu thiết kế mới ở đêm trình diễn…

Chương trình đêm Nghệ thuật Áo dài Việt Nam đề cập đến những giá trị truyền thống đang được lưu giữ trong quá trình phát triển qua 04 chương: Đất Việt tiếng vọng ngàn đời, Duyên dáng áo hoa, Thành phố tôi yêu, Sắc màu thành phố du lịch.

Ứng với mỗi phần là các bộ sưu tập thể hiện chủ đề chung. Trong đó, nhiều giá trị văn hoá được các nhà thiết kế lấy làm nguồn cảm hứng như: đất Thăng Long xưa, di sản Việt Nam, văn hoá cung đình, tò he, hoa sen… Sự phát triển của TP.HCM cũng mang đến cho họ nhiều cảm xúc để sáng tạo.

Bộ sưu tập áo dài chất liệu thổ cẩm.
Bộ sưu tập áo dài chất liệu thổ cẩm.

Chất liệu thổ cẩm được lấy từ vùng A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghề dệt Zèng tại đây được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia hồi năm 2017.

Nhà thiết kế Huy Doãn mang đến lễ hội bộ sưu tập Hương sen. Anh lấy cảm hứng từ hoa sen, gắn liền với văn hoá Việt, hình ảnh phụ nữ Việt Nam. Nhà thiết kế sử dụng nhiều kỹ thuật thể hiện hoa sen trên áo như in, thêu, đính kết.

Nhà thiết kế Trung Đinh giới thiệu bộ sưu tập thứ hai tại lễ hội năm nay, mang tên Non nước Việt Nam. Nhà thiết kế mang hình ảnh thiên nhiên, di tích Việt Nam lên các thiết kế. Điểm nổi bật trong áo dài của Trung Đinh là vẽ thủ công trên lụa.

Bộ sưu tập Sống động cùng di sản của nhà thiết kế Năm Tuyền là sự kết hợp của hai phong cách cổ điển và hiện đại. Nhà thiết kế lấy cảm hứng từ sự phát triển của TP.HCM, là nơi giao thoa giữa xưa và nay, đông và tây. Những chiếc áo dài nam vẫn giữ phom truyền thống. Trong khi đó, áo dài nữ được cách tân hiện đại.

Nhân dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Lễ hội Áo dài được tổ chức thường niên liên tục nhất Việt Nam", đánh dấu chặng 10 năm tổ chức Lễ hội Áo dài TP.HCM.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate