Là năm thứ hai Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn được Đà Nẵng tổ chức với quy mô cấp thành phố, vì vậy công tác chuẩn bị của Ban Tổ chức, các cơ quan, đơn vị liên quan được chu đáo từ việc xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản chi tiết các hoạt động.
Về phần lễ được tổ chức trang trọng và đúng nghi thức đã thu hút hàng vạn tăng ni Phật tử, đồng bào và du khách trong và ngoài nước đến tham dự và lễ bái… Phần hội, có các chương trình nghệ thuật buổi Khai mạc Lễ hội với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Nhật Bản, Thái Lan, Nhà hát Trưng Vương, chùa Quán Thế Âm biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc thu hút hàng vạn người dân và du khách.
Ngoài các hoạt động, như trưng bày các tác phẩm cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật Non Nước - Ngũ Hành Sơn; triển lãm tranh, ảnh Du lịch và Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; trình diễn trực họa, ký họa về Lễ hội Quán Thế Âm…, Ban Tổ chức đưa chương trình Lễ hội nội dung Tọa đàm về “Giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm - Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia”... đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến tham dự.
Ban Tổ chức lễ hội cho rằng Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất Ngũ Hành Sơn và của thành phố Đà Nẵng; là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và miền di sản danh thắng Ngũ Hành Sơn. Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam; thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hoá dân tộc.
Đồng thời, Lễ hội cũng là dịp để du khách chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Đà Nẵng, đó là Danh thắng Ngũ Hành Sơn với nhiều di sản văn hóa có giá trị đang trường tồn cùng với thời gian và ngày càng được phát huy hiệu quả.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, ông Nguyễn Hòa, Phó trưởng ban Thường trực Lễ hội, cho biết trong những ngày diễn ra Lễ hội, các nghi thức tôn giáo, cầu quốc thái dân an; cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, thể thao phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nét văn hóa con người, vùng đất xứ Quảng. Bên cạnh đó, chùa Quán Thế Âm mở cửa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, Thư viện Vạn Hạnh để đón du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và nghiên cứu…đã tạo được điểm nhấn trong những ngày diễn ra Lễ hội.
Ông Hòa cũng khẳng định Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn năm 2024 đã kết thúc thành công tốt đẹp, đúng với phương châm “Trang trọng - An toàn - Tiết kiệm - Hiệu quả”.