Tại diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp" do Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức sáng 28/8/2024, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết trong gần 8 tháng của năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng. Điều này phần nào khẳng định việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên hợp tác xã là nông dân.
LIÊN KẾT CHUỖI GIÁ TRỊ LÀ VẤN ĐỀ SỐNG CÒN TRONG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
Cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã. Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp.
Tuy nhiên,Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Liên kết giữa các tổ hợp tác/hợp tác xã trong một số ngành hàng cũng chỉ nơi dừng lại ở chỗ liên kết mang tính thời vụ, chưa mang tính chia sẻ rủi ro về lợi ích, do vậy vẫn chưa đạt được tính bền vững cao.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thực hiện chủ trương tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng duy trì ở mức cao. Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản đã có mặt trên các thị trường quốc tế (kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản). Sản lượng các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực như lúa, cà phê, cao su, trái cây, thủy sản ngày càng tăng.
Trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giá trị kinh tế rất cao, như: mô hình vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh (tại Cần Thơ doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm), mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu (năng suất 80 tấn/ha năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha)…
Cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và đã có mặt trên 280 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới.
"Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 -56 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu 6 giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần thực chất, hiệu quả hơn: chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng năng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.
Thứ ba, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn năng lực ngành nông nghiệp.
Thứ tư, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững.
Thứ năm, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế là một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Thứ sáu, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Các biện pháp như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ đất đai và đa dạng sinh học cần được áp dụng rộng rãi.
THUẾ TRONG NÔNG NGHIỆP NHIỀU BẤT CẬP
Nhận định nông nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng, có khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ 16 FTA phủ khắp các thị trường lớn như CPTPP, EU, ASEAN…, song ông Hoàng Trọng Thuỷ, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối diện với 5 thách thức lớn: (i) giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; (ii) chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm; (iii) chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; (iv) yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nông sản ngày càng tăng; (v) người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, ông Thuỷ khuyến nghị nên tăng cường xuất khẩu 10 nông sản chủ lực vốn đã có thị trường ổn định, cùng với triển khai việc thực hiện nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần quyết liệt trong tháo gỡ “thẻ vàng” IUU của EU về thủy sản càng sớm càng tốt. Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kho bãi và hệ thống logistics, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển… Cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, sự minh bạch trong truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng yêu cầu của bên nhập khẩu.
Liên quan đến chính sách thuế và tín dụng, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cấp cao về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng đây là một trong những rào cản lớn đối với nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp.
Theo ông Phụng, thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng với phân bón là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nông nghiệp. Trước đây, Luật thuế GTGT quy định phân bón chịu thuế GTGT ở mức thấp (5%), doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, được hoàn thuế. Từ năm 2015, phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế GTGT với quan điểm Nhà nước dành ưu đãi cao cho nông nghiệp, kỳ vọng sẽ giảm được giá phân bón để nông dân có lợi.
"Những bất cập của chính sách thuế trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, khiến các tập đoàn kinh tế lớn không muốn huy động vốn, đầu tư vốn để tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản".
Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cấp cao về Thuế và Quản trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với cơ chế vận hành do Luật quy định, “Không chịu thuế GTGT” có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dẫn đến việc giá thành phân bón bị tăng lên. Thực tiễn thi hành Chính sách thuế GTGT đối với phân bón đã gây ra tác dụng ngược, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp.
Nêu vấn đề khác, ông Phụng cho hay doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong khâu sơ chế nông sản hiện được áp dụng “không khai, không tính thuế GTGT”, cho nên toàn bộ thuế GTGT đầu vào đã trả (do đầu tư mua sắm trang thiết bị sơ chế, giết mổ sạch, xử lý mầm bệnh, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển) phải ghi sổ treo dồn lại, không được xử lý vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến doanh nghiệp chuyên sơ chế, giết mổ sạch, bảo quản sau thu hoạch bị kẹt vốn, mất dần 10% vốn.
Nhằm tháo gỡ các nút thắt, giảm gánh nặng chi phí cho nông dân và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, ông Phụng khuyến nghị nên áp dụng thuế GTGT đối với phân bón ở thuế suất thấp, đồng thời thực hiện khấu trừ, hoàn thuế để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón có cơ hội giảm giá bán cho nông dân. Đồng thời, đề nghị bỏ quy định “không khai, tính nộp thuế GTGT” đối với các khâu kinh doanh sau sản xuất nông nghiệp như sơ chế, giết mổ sạch, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, xử lý mầm bệnh, đóng gói…