Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố nói riêng và của cả nước nói chung phát triển ngang tầm khu vực; hiện thực hóa các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đề án khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới áp dụng tại Việt Nam hoặc được cải tiến, đổi mới sáng tạo công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Các nhiệm vụ cụ thể được nêu rõ trong đề án, gồm: hình thành mạng lưới, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức quảng bá, truyền thông cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời hỗ trợ tiền ươm tạo các ý tưởng, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tăng tốc các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
UBND TP.HCM đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Khu vực trung tâm Thành phố sẽ tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô, tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường…
Thành phố cũng đặt ra chỉ tiêu đến cuối năm 2024 tốc độ tăng GRDP và tốc độ gia tăng giá trị sản xuất đạt 1-1,5%; giá trị sản xuất đạt 590-650 triệu đồng/ha. Với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của Thành phố đạt từ 44-46%.
Đến năm 2025, ngành nông nghiệp Thành phố phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45-50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm, thủy sản. Trong đó, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất canh tác nông nghiệp đến năm 2025 đạt 650-750 triệu đồng/năm.
Trong định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại; bảo đảm kết nối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị.
50% số xã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM
UBND TP.HCM cũng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn Thành phố năm 2024…
Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu 50% số xã xây dựng nông thôn mới (28/56 xã, gồm: Củ Chi 10/20 xã, Hóc Môn 5/10 xã, Bình Chánh 7/14 xã, Nhà Bè 3/6 xã, Cần Giờ 3/6 xã) đạt chuẩn tiêu chí xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; đạt chuẩn tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến một phần.
Ngoài ra, 20% đơn vị cấp huyện (1/5 huyện: huyện Củ Chi) đạt chuẩn tiêu chí hình ảnh điểm du lịch của huyện được quảng bá thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội nhằm hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đạt tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhằm hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đồng thời, 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số năm 2024.
Đặc biệt, công tác hoàn thiện chuyển đổi số trong quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Ứng dụng công nghệ số trong giám sát chất lượng môi trường, quản lý các nguồn chất thải, chất ô nhiễm và cấp nước sạch nông thôn; Phấn đấu 50% xã có các hợp tác xã có những mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực.
Các sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn phấn đấu hoàn thiện sản phẩm hướng tới OCOP 4 sao như: Truy xuất nguồn gốc điện tử, phát triển thương hiệu, đăng kí sở hữu trí tuệ, ứng dụng thương mại điện tử... Các sản phẩm OCOP 4 sao trên địa bàn phấn đấu được cấp mã số nguyên liệu vùng trồng, vùng nuôi... hướng đến OCOP 5 sao và xuất khẩu.