January 19, 2019 | 15:33 GMT+7

Lo mắc nợ, nhiều nước hủy dự án trong “Vành đai và Con đường”

An Huy

Từ tháng 4/2018 đến nay, nhiều dự án trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường" đã bị hoãn, đình chỉ hoặc thậm chí là hủy

Một dự án cầu đường sắt do Trung Quôc xây dựng ở Lào, tháng 10/2018 - Ảnh: Bloomberg/Getty/CNBC.
Một dự án cầu đường sắt do Trung Quôc xây dựng ở Lào, tháng 10/2018 - Ảnh: Bloomberg/Getty/CNBC.

Một số quốc gia đã giảm quy mô hoặc hủy các dự án thuộc sáng kiến mang tên "Vành đai và Con đường", trong bối cảnh có những lo ngại ngày càng lớn liên quan đến chiến lược xuyên lục địa do Bắc Kinh khởi xướng.

Theo thông tin từ CNBC, mấy tháng gần đây, Pakistan, Malaysia, Myanmar, Bangladesh và Sierra Leone đã hủy hoặc rút lui khỏi các dự án đã được đàm phán trước đó trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường". 

Lý do được đưa ra cho các động thái này là lo ngại về chi phí cao và ảnh hưởng đối với nợ quốc gia cũng như nền kinh tế.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" được xem là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu thông qua việc xây dựng các mắt xích giao thông là cảng biển và đường bộ nối từ Á, qua Trung Đông và châu Phi tới châu Âu. 

Một số nhà phê bình xem sáng kiến này còn là một phương tiện để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng về quân sự và chính trị, đồng thời tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho các công ty của nước này.

Với lượng vốn dồi dào, các công ty quốc doanh Trung Quốc mời chào các nước tham gia "Vành đai và Con đường" những khoản vay ưu đãi để xây dựng những dự án quy mô lớn như cảng biển và đường sắt.

Những thỏa thuận này thường được đàm pháp ở cấp chính phủ-chính phủ, với lãi suất cho vay dưới mức thị trường, nhưng nhiều nước vẫn lo ngại về khối nợ mà họ vướng vào.

Từ tháng 4/2018 đến nay, nhiều dự án trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường" đã bị hoãn, đình chỉ hoặc thậm chí là hủy "do sự hoài nghi và phản đối" - theo một báo cáo hồi tháng 8 của The Economist Intelligence Unit.

Mới tuần này, có tin Pakistan hồi tháng 12 đã đề nghị Bắc Kinh hoãn một dự án nhiệt điện trị giá 2 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 10, Pakistan tuyên bố sẽ giảm số vốn vay từ Trung Quốc cho các dự án đường sắt từ 8,2 tỷ USD xuống còn 6,2 tỷ USD.

Chính phủ Myanmar cũng giảm chi phí cho một dự án cảng nước sâu do Trung Quốc cấp vốn ở bang Rakhine từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD, với lý do quy mô ban đầu của dự án có thể đẩy Myanmar vào tình trạng nợ đầm đìa.

Sierra Leone, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, đã hủy dự án xây dựng một sân bay trị giá 318 triệu USD với một công ty Trung Quốc. Malaysia thì đã dừng một loạt dự án do Trung Quốc cấp vốn, với tổng trị giá 22 tỷ USD.

Đầu năm ngoái, Bangladesh hủy dự án mở rộng một con đường cao tốc mà dự kiến sẽ do China Harbour Engineering Company đảm nhận, sau khi công ty Trung Quốc này bị nghi đưa hối lộ một quan chức Chính phủ Bangladesh. 

Trong khi đó, Tanzania tiến hành đàm phán lại với Bắc Kinh về một dự án cảng biển 11 tỷ USD.

Nhiều nước tham gia "Vành đai và Con đường" dường như đang muốn tránh bị rơi vào tình cảnh như Sri Lanka. Năm 2017, Sri Lanka đã trao quyền kiểm soát một cảng biển chiến lược cho Trung Quốc, vì không thể trả được nợ cho các công ty Trung Quốc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate