Từ một nhu cầu giết thời gian của giới thượng lưu ở nước Anh, đến việc trở thành vật phải có trong túi xách mỗi chuyến nghỉ mát, những cuốn sách đọc ở bãi biển đã đi qua hơn 200 năm để trở thành một biểu tượng tự do, hưởng thụ và giải trí. Nắm bắt nhu cầu này, hàng năm, các nhà xuất bản sản xuất các cuốn sách nhỏ, dễ cầm, bìa mềm gắn nhãn “beach read” vào dịp hè như một nghi thức văn hóa.
Những cuốn sách này thường là tiểu thuyết lãng mạn, trinh thám, phiêu lưu — dễ đọc, không đòi hỏi tập trung cao độ. Thuật ngữ “summer reading” (sách đọc mùa hè) và sau này là “beach read” (sách đọc ở bãi biển) bắt đầu xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo. Ngày nay, “beach read” trở thành lối sống: tượng trưng cho việc “tạm buông áp lực, tự thưởng cho mình”. Nếu trước đây, beach read đơn giản chỉ là “sách để giết thời gian”, thì với Gen Z, nó trở thành công cụ chữa lành.
Một quyển sách bên bờ biển, dưới chiếc mũ rộng vành, cạnh ly cocktail hay một ly nước dừa — tất cả tạo thành một khung cảnh thời thượng mà nhiều người trẻ khao khát chia sẻ lên story. Khi “beach read” trở thành một phần của lối sống cá nhân, nó không chỉ dừng lại ở trang giấy. Đó là cách Gen Z tự khẳng định: “Tôi biết chăm sóc bản thân”, “Tôi có gu”, “Tôi sống chậm, nhưng không lỗi thời”...

Không chỉ đọc để tiêu khiển, Gen Z chọn sách để tìm câu trả lời, để khám phá bản thân, hoặc chỉ đơn giản là để được sống chậm lại. Gen Z không dễ bị “mua chuộc” bởi những tiểu thuyết ngọt ngào, dễ dãi. Họ tìm kiếm những cuốn sách vừa nhẹ nhàng vừa có chiều sâu, bìa phải đẹp, đủ để khoe trên mạng xã hội.
Một quyển sách đẹp có thể trở thành phụ kiện check-in, nằm gọn trong túi canvas hay góc ghế nắng. Với Gen Z, đó không chỉ là sách, mà là một phần nhận diện cá nhân, rất nhiều bạn trẻ mang sách ra biển chỉ để lật vài trang, highlight vài câu “deep” rồi... chụp hình. Và điều đó hoàn toàn ổn! Với Gen Z, quan trọng không phải hoàn thành cuốn sách, mà là cảm giác được sống trọn vẹn khoảnh khắc, được trở thành “vai chính” trong câu chuyện đời mình.
Cụm từ "beach read" dần dần được dùng để chỉ những quyển sách không quá nặng nề tính hàn lâm, mà theo hướng giải trí, thích hợp để đọc thư giãn trong kỳ nghỉ. Một số nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng thậm chí hoài nghi rằng đằng sau sự ra đời của cụm từ này có thể là một chiến dịch tiếp thị khéo léo, do một chuyên viên PR sách nghĩ ra để đẩy doanh số cho một số đầu sách phát hành mùa hè.

Trên thực tế, ý tưởng gắn việc đọc sách với kỳ nghỉ, bãi biển đã có từ rất lâu, từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, phải đến khi sách in bìa mềm được đại chúng hóa tại Mỹ vào giữa thế kỷ 20, hình ảnh người đọc lật giở tiểu thuyết trinh thám bên bãi biển mới thực sự thành biểu tượng văn hóa. Ngoài ra, ở châu Âu, đặc biệt là Anh thời đó, biển được xem như “liệu pháp chữa bệnh” (seaside cure). Bác sĩ khuyên bệnh nhân tắm biển, hít gió biển để hồi phục sức khỏe.
Tầng lớp trung lưu, thượng lưu bắt đầu dành kỳ nghỉ dài ngày tại biển, và họ mang theo sách để giết thời gian. Lúc này, sách được xem là món đồ xa xỉ, người ta thường mang theo những tiểu thuyết dài kỳ (serial novels) đăng trên báo rồi đóng lại thành tập, hoặc tiểu thuyết gothic và lãng mạn (như của Ann Radcliffe, Jane Austen).
Khi sự phát triển của đường sắt giúp việc đi biển trở nên phổ biến hơn, mọi người có thể đọc sách trên tàu, rồi tiếp tục đọc trên bãi biển — dần dần hình thành thói quen đọc sách như một phần của kỳ nghỉ. Thời kỳ này, các tiểu thuyết giải trí nhẹ nhàng, đặc biệt là tiểu thuyết rẻ tiền (dime novels) ở Mỹ hay tiểu thuyết feuilleton (tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên báo) ở Pháp, bắt đầu phổ biến. Các nhà xuất bản cũng bắt đầu in những đầu sách mỏng, nhẹ, dễ mang theo, chính là tiền thân của “beach read” hiện đại.

Thuật ngữ “beach read” chỉ thật sự phổ biến từ nửa sau thế kỷ 20 (khoảng thập niên 1970 trở đi), khi văn hóa nghỉ dưỡng biển phát triển mạnh ở Mỹ, và các nhà xuất bản bắt đầu dùng cụm từ này như một cách tiếp thị sách. Các nhà xuất bản còn ra mắt danh sách Summer Book List, khuyến nghị những tựa sách “vừa đọc vừa nằm trên cát”, nhấn mạnh sự nhẹ nhàng, giải trí, giàu kịch tính.
Dù từng bị xem nhẹ vì tính chất, nội dung nhưng thể loại sách “beach read” ngày càng được các chuyên gia và nhà xuất bản ở Anh, Mỹ chú ý phát hành hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới ngày càng căng thẳng, người đọc cần những chất liệu giải trí giúp họ thoát khỏi áp lực cuộc sống".
Sarah Maxwell, người sáng lập hiệu sách chuyên tiểu thuyết lãng mạn Saucy Books (Anh), cho biết các thể loại sách "beach read" có thể chạm đến những góc khuất trong tâm hồn: "Đọc các loại sách phù hợp cho kỳ nghỉ, trên bãi biển là cách ta tìm lại sự thoải mái, tạm trốn thoát khỏi thực tại và kết nối lại với chính mình".

Theo khảo sát của The Guardian, sách bìa cứng không phải là lựa chọn lý tưởng để đọc trong kỳ nghỉ. "Tôi từng thử mang Anna Karenina của đại văn hào Nga Lev Tolstoy - một tiểu thuyết được xem là kiệt tác của mọi thời đại - để đọc trên bãi biển. Nhưng sau vài ngày đọc không vào, mỏi tay vì sách quá nặng và tâm trí thì lạc giữa những trang mô tả luật sở hữu tài sản của nước Nga vào thế kỷ 19, tôi nhận ra: mình đang tự biến kỳ nghỉ thành một khóa học văn học Nga khắc nghiệt," độc giả người Anh Daisy Buchanan chia sẻ.
Trong khi đó, những cuốn sách như “Hàm cá mập” của Peter Benchley (1974) hay các tiểu thuyết ngôn tình của Jackie Collins, Danielle Steel nhanh chóng trở thành biểu tượng của dòng sách "beach read": kịch tính, sexy, “lật trang liên tục”.
Bên cạnh đó thế hệ trẻ ngày nay ưa chuộng sự thực dụng. Bên cạnh sách giấy, đừng ngạc nhiên nếu thấy Gen Z nằm dài trên ghế tắm nắng với một chiếc Kindle, iPad hoặc thậm chí điện thoại. Họ đọc ebook, nghe audiobook, hoặc kết hợp với playlist Spotify riêng cho từng cuốn sách — tạo thành trải nghiệm đọc đa giác quan.

Và như vậy, sách bãi biển với Gen Z không còn là một thể loại hay sản phẩm, mà đã trở thành một tuyên ngôn sống — vừa tự do, vừa đầy chất thơ. Ngay cả nếu bạn đã quá tuổi để được gọi là Gen Z, thành thật mà nói, bạn sẽ chọn niềm vui, sự thư giãn, tâm trí thoải mái… hay sẽ dành thời gian để nghiền ngẫm một điều gì sâu sắc, trên bãi biển và trong một kỳ nghỉ?