Colombia trở thành quốc gia tiên phong trong cuộc chiến chống các loại đồ ăn nhanh không có lợi cho sức khỏe. Sau nhiều năm vận động, “luật đồ ăn vặt” đã có hiệu lực trong tháng này và thuế sẽ được áp dụng dần dần. Thuế bổ sung đối với thực phẩm bị ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ bắt đầu ở mức 10% sau đó tăng lên 15% vào năm tới và đạt 20% vào năm 2025.
Loại thuế này nhắm vào các sản phẩm siêu chế biến được xác định là thực phẩm ăn liền bao gồm các bữa ăn chế biến sẵn được sản xuất công nghiệp (ngũ cốc ăn sáng, cốm, sữa chua có phụ gia), cũng như các sản phẩm chứa nhiều muối và chất béo, ví dụ như sôcôla thanh, khoai tây chiên, bánh quy giòn, đồ uống ngọt có ga, đồ ăn nhanh...
Chế độ ăn trung bình hàng ngày của người Colombia bao gồm 12 gam muối - mức cao nhất ở Mỹ Latinh và là một trong những mức cao nhất trên thế giới. Điều này dẫn đến sự phát triển của bệnh cao huyết áp, các bệnh tim mạch, đồng thời làm tăng số ca đột quỵ và suy tim. Các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống và béo phì khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, cũng có vấn đề, với hơn 1/3 số ca tử vong do bệnh tiểu đường xảy ra ở những người dưới 70 tuổi.
Tờ The Guardian dẫn lời giáo sư Franco Sassi, chuyên gia về chính sách y tế quốc tế tại Trường Kinh doanh Imperial College, London, cho biết: “Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra các loại thuế để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, chẳng hạn như đánh thuế các sản phẩm thuốc lá hoặc đồ uống có đường, nhưng rất ít quốc gia mở rộng sang thực phẩm chế biến sẵn”.
Quy định mới này đã được các chuyên gia y tế ca ngợi và cho rằng nó có thể làm gương cho các quốc gia khác. Các nước láng giềng của Colombia là Ecuador và Peru gần đây cũng đã đưa ra yêu cầu đối với các nhà sản xuất phải ghi thông tin ở mặt trước của bao bì sản phẩm về sự nguy hiểm của thực phẩm chứa nhiều đường hay muối và chất béo. Bogota cũng đã đưa ra yêu cầu bắt buộc tương tự. Ông Franco Sassi giải thích: “Điều này sẽ tạo ra sự kích thích về thông tin và tài chính để người tiêu dùng tránh những sản phẩm như vậy”.
Beatriz Champagne, Giám đốc điều hành của Liên minh vì sức khỏe châu Mỹ, cho biết: “Chúng tôi muốn tránh đi theo con đường của các quốc gia công nghiệp giàu có khác - những nước mà các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống là một vấn đề lớn. Thuế này được áp dụng cho những sản phẩm có nhãn cảnh báo sức khỏe. Bởi cuối cùng, mục tiêu của nhà sản xuất thực phẩm công nghiệp hóa không phải là dinh dưỡng mà là kiếm tiền. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất không quan tâm liệu người tiêu dùng có ăn thực phẩm khiến họ bị bệnh hoặc tử vong hay không”.
Trước đó, Australia cũng đề xuất cấm quảng cáo đồ ăn vặt dành cho trẻ em, như là một nỗ lực nhằm đẩy lùi tình trạng béo phì ở trẻ em nước này. Theo đó, Nghị sĩ độc lập Sophie Scamps đã trình Quốc hội đề xuất dự luật cấm quảng cáo đồ ăn vặt cho trẻ em từ 6h đến 21h30 hàng ngày trên các chương trình phát thanh và truyền hình. Các quảng cáo trên mạng xã hội và trang mạng trực tuyến sẽ bị cấm hoàn toàn.
Theo nghị sĩ Scamps, ước tính, chứng béo phì tiêu tốn của hệ thống y tế quốc gia 11,8 tỷ AUD mỗi năm, với 25% số trẻ em có xu hướng mắc bệnh mãn tính do thừa cân. Những hạn chế hiện tại không đủ mạnh và cơ chế tự điều chỉnh không hiệu quả, vì vậy, nếu tiếp tục "khoanh tay đứng nhìn" trẻ em bị mê hoặc bởi quảng cáo đồ ăn vặt trên mạng xã hội và trên TV, hậu quả sẽ khôn lường. Bà Scamps đề xuất, các đài truyền hình, nhà cung cấp dịch vụ và công ty thực phẩm có thể bị phạt nặng nếu không tuân thủ những hướng dẫn được đề xuất.
Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ, bác sĩ, cũng như một loạt hiệp hội y tế và sức khỏe. Ông Jane Martin, Giám đốc điều hành Liên minh thực phẩm vì sức khỏe cho rằng việc điều chỉnh hoạt động tiếp thị thực phẩm không tốt cho sức khỏe là bước quan trọng đầu tiên trên con đường bảo vệ tương lai của trẻ em. Ông nhấn mạnh, thế hệ trẻ xứng đáng có một tương lai khỏe mạnh hơn, không phải chịu sự tấn công liên tục của việc tiếp thị đồ ăn vặt.
Cho đến nay, đã có khoảng 40 quốc gia đã hoặc đang có kế hoạch điều chỉnh quảng cáo hoặc hạn chế tiếp thị các sản phẩm đồ ăn vặt, trong đó có Anh, Hàn Quốc, Na Uy và Chile. Hồi đầu năm nay, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã thông báo về chiến dịch "Fix My Food". Đây là chiến dịch do giới trẻ lãnh đạo nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu tạo ra môi trường thực phẩm lành mạnh hơn ở Trung Quốc, Campuchia, Liên bang Micronesia, Fiji, Mông Cổ, Quần đảo Solomon, Timor-Leste và Việt Nam.
Thực tế cho thấy, chế độ ăn gồm những thực phẩm truyền thống, tươi ngon và lành mạnh tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang bị thay thế bởi sự gia tăng tiêu thụ thực phẩm “rác” đã qua chế biến kỹ và đồ uống chứa nhiều đường, muối, chất béo không tốt cho sức khỏe. Giám đốc UNICEF tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bà Debora Comini nhận định: Trẻ em trên toàn khu vực đang lớn lên trong môi trường đẩy mạnh việc bán và tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống “rác” này, thay vì những lựa chọn khác lành mạnh hơn.
"Hiện nay, trẻ em và thanh thiếu niên bị bủa vây bởi các hoạt động tiếp thị đồ ăn vặt ở mọi nơi: trên mạng, trên đường đến trường, trên truyền hình và thậm chí khi đang đứng xếp hàng thanh toán ở cửa hàng tạp hóa. Hậu quả là có quá nhiều trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương có chế độ ăn nghèo nàn, không lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của các em. Đã đến lúc chúng ta thay đổi điều này!” Bà Debora Comini bày tỏ.
Theo Giám đốc UNICEF tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, thời gian qua UNICEF đã hợp tác chặt chẽ với các chính phủ và đối tác để ban hành các chính sách, điều luật nhằm hạn chế sự gia tăng việc tiếp thị thực phẩm và đồ uống không lành mạnh. Chẳng hạn như cấm quảng cáo, bán thực phẩm không lành mạnh trong và xung quanh trường học; ghi chú nhãn dinh dưỡng rõ ràng trước bao bì sản phẩm; thu thuế đối với đồ uống có đường bên cạnh các điều luật khác…