August 31, 2021 | 14:00 GMT+7

Luật Giá sửa đổi sẽ tương thích với các Điều ước quốc tế

Luật Giá phải được ưu tiên vận dụng trong các trường hợp xung đột pháp luật liên quan đến lĩnh vực giá. Tránh tình trạng khi phát sinh xung đột phải dẫn chiếu quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau, ở nhiều ngành khách nhau như hiện nay...

Luật Giá sửa đổi sẽ đưa vai trò pháp lý của Luật Giá lên là Luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực giá.
Luật Giá sửa đổi sẽ đưa vai trò pháp lý của Luật Giá lên là Luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực giá.

Tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) vừa qua, các thành viên Hội đồng đã nhấn mạnh đến mục tiêu sửa đổi là đưa vai trò pháp lý của Luật Giá lên là Luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực giá, điều chỉnh toàn diện các hoạt động về quản lý điều hành giá, thẩm định giá.

THÁO ĐIỂM NGHẼN CỦA THỊ TRƯỜNG

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, Luật Giá hiện hành đã có hiệu lực thi hành gần 8 năm và được đánh giá có tiến bộ vượt bậc khi đưa chính sách quản lý giá đến gần thị trường hơn trước kia.

Điều đó thể hiện qua những quy định đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường.

 
Luật vẫn bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế. Đây là điều cần thiết đối với tình hình của Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển với khung pháp lý kinh doanh thương mại chưa hoàn thiện.

Sau gần 8 năm thực thi, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì Luật Giá đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, nhiều quy định của Luật đã lỗi thời. Do đó, dự thảo Luật Giá sửa đổi cơ bản đã tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số quy định đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Đây được xem là những “điểm nghẽn” đối với sự phát triển của thị trường. Ngoài ra, những quy định này còn đang gây khó khăn, vướng mắc cho công tác tổ chức thi hành án dân sự…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cho biết, Luật Giá sửa đổi sẽ đưa vai trò pháp lý của Luật Giá lên là Luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực giá, điều chỉnh toàn diện các hoạt động về quản lý điều hành giá, thẩm định giá. Được ưu tiên vận dụng trong các trường hợp xung đột pháp luật liên quan đến lĩnh vực giá.

CHỐNG ĐỘC QUYỀN, LIÊN KẾT GIÁ ĐỂ KHỐNG CHẾ THỊ TRƯỜNG

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật Giá sửa đổi đã cố gắng để tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ban soạn thảo đã rà soát và thấy nội dung các nhóm chính sách tại dự thảo không trái với các điều ước quốc tế. Đặc biệt, khi sửa đổi Luật Giá các chính sách sẽ tiến gần đến thị trường nhiều hơn và có tác động tốt hơn so với Luật hiện hành.

 
Tôn trọng quyền quyết định của thị trường, dự thảo đã hoàn thiện các danh mục hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, định giá nhà nước, kê khai giá cho phù hợp với yêu cầu quản lý điều hành nền kinh tế.

Cụ thể, dự thảo chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung trong triển khai và giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với yêu cầu đặt ra trong thực tiễn từng giai đoạn, thời điểm.

Luật sẽ hướng đến cơ chế quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, nước sạch, đất đai, điện, dịch vụ công.

Theo đó sẽ làm rõ vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm thực thi của các cấp quản lý nhà nước trong công tác điều hành, bình ổn giá thị trường thông qua các cơ chế, biện pháp vĩ mô phù hợp với yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước…

Bên cạnh đó, dự thảo có những quy định về cơ chế công bố thông tin theo hướng rõ ràng, minh bạch để kiểm soát chi phí sản xuất các hàng hóa, dịch vụ nhằm hạn chế tác động tiêu cực của vị thế độc quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân… Củng cố địa vị pháp lý cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, hình thành kênh thông tin chính thống, tin cậy phục vụ công tác quản lý giá, thẩm định giá.

Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành giá là điều quan trọng. Do đó cần cơ quy định rõ ràng về công tác kiểm soát, kiểm tra đánh giá về chấp hành pháp luật về giá để qua đó ngăn ngừa kịp thời các sai phạm nếu có trước.

Ngoài ra, cần hoàn thiện các chế định về biện pháp chế tài, xử lý hành vi lợi dụng giá cả để tạo thế độc quyền, liên kết giá để khống chế thị trường, tạo lợi nhuận cao, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Ngăn chặn các hành vi lợi dụng vị thế để khống chế giá trong cùng hệ thống phân phối ở mức có lợi bất hợp lý…

NÂNG CAO ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THẨM ĐỊNH GIÁ

Trong góp ý của mình, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Ban soạn thảo chú ý đến quy định trong dự thảo nhằm loại bỏ loại hình công ty cổ phần đối với doanh nghiệp thẩm định giá.

Hiện nay có khoảng 46% doanh nghiệp thẩm định giá là công ty cổ phần, như vậy sẽ có số lượng doanh nghiệp phải chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, nên sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp thẩm định giá, nên cần được đánh giá một cách thận trọng.

Theo VCCI, dự thảo còn nâng cao điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá. Với những điều kiện kinh doanh này thì số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại so với hiện nay và điều này sẽ tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh cũng như quyền lựa chọn của khách hàng.

Do đó VCCI kiến nghị cần đánh giá lại thực tiễn để tăng thêm điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mục tiêu sửa đổi của Luật Giá phải hướng mục tiêu tập trung đến việc tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Việc giao cho Chính phủ xây dựng danh mục hàng hóa sẽ tăng cường tính linh hoạt, chủ động của Chính phủ khi thực hiện các giải pháp điều hành. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng lạm dụng chính sách thì cần xây dựng nguyên tắc về danh mục mặt hàng và Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

 
Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp
Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Thay mặt Hội đồng thẩm định, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát chủ trương của Đảng trong văn kiện tại Đại hội XIII để có biện pháp kịp thời thể chế hóa, nhất là các nội dung trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030.  Riêng với các nhóm chính sách Bạn soạn thảo đưa ra Hội đồng nhận thấy các nội dung chính sách không trái với Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, tính đồng bộ trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên nhiều vấn đề cần phải được rà soát để bảo đảm thích ứng, phù hợp với các điều ước quốc tế và thông lệ thế giới, nhất là các kinh nghiệm quốc tế trong xử lý các tình huống cấp bách do tác động kết quả, mặt trái của kinh tế thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính

Luật Giá sửa đổi sẽ thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc về quản lý, điều hành giá trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Củng cố, kiện toàn các nguyên tắc cơ bản về quản lý nhà nước về giá hiện hành tại Luật cũng như bổ sung, luật hóa các nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường nhằm xây dựng hành lang pháp lý có tính toàn diện, thống nhất, đảm bảo bao quát và thuận lợi cho công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn nói riêng, các quy định về quản lý giá tại Luật chuyên ngành hoặc cho cả công tác tổ chức thực hiện, thi hành Luật…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate