Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy dưới đây, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng đánh giá cao công tác này và luôn tích cực, đồng hành cùng với chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp góp phần vào việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế thành phố.
Là đơn vị kết nối với các doanh nghiệp, với vai trò đầu mối, ông đã nhận được những phản hồi và đánh giá của doanh nghiệp như thế nào về môi trường đầu tư cũng như những cơ chế chính sách của Đà Nẵng hiện nay đang thực hiện đối với các doanh nghiệp đã đầu tư vào thành phố?
Trên thực tế, những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương đã được đo đếm một cách tương đối qua chỉ số PCI được đánh giá mỗi năm một lần.
Chỉ số PCI của Đà Nẵng từ 2018-2021 luôn ở Top 5 địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam. Riêng năm 2021, PCI Đà Nẵng tăng 0,3 điểm và tăng 1 bậc so với năm 2020. Kết quả này, một mặt phản ánh nỗ lực của chính quyền thành phố trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; mặt khác, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp có góc nhìn chia sẻ, đồng hành cùng chính quyền thành phố trong việc vừa phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Riêng chỉ số cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng cũng được đánh giá khá tốt. Trong PCI 2021, chỉ số Cơ sở hạ tầng phản ánh chất lượng về hạ tầng tại các địa phương gồm 5 khía cạnh: khu công nghiệp, đường bộ, điện năng, viễn thông, công nghệ thông tin.
Đà Nẵng là địa phương có điểm số này cao thứ ba toàn quốc sau Bình Dương và Quảng Ninh. Đây cũng là điểm sáng và là lợi thế của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Ngoài ra, với thế mạnh về nhân lực và hạ tầng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Đà Nẵng cũng là địa phương ứng dụng rất tốt công nghệ thông tin và đẩy mạnh việc triển khai thủ tục hành chính công trực tuyến, tiết giảm chi phí thời gian, giảm phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương tích cực trong ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp, các chính sách mà thành phố đang áp dụng như thế nào, thưa ông?
Đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp, thành phố luôn xem là đối tượng ưu tiên hỗ trợ, được tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, để giúp doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của thành phố tiết giảm chi phí đầu vào, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh, Hội đồng Nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 quy định hỗ trợ giảm tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chính sách hỗ trợ này được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao.
Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố cũng luôn quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tạo điều kiện trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, dư địa để thành phố cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao hơn nữa hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là không nhỏ.
Mong muốn của các doanh nghiệp đối với những cơ chế chính sách và môi trường đầu tư vào Đà Nẵng và kiến nghị của VCCI Đà Nẵng ra sao, thưa ông?
Có chín điểm sau đây mà doanh nghiệp quan tâm và mong muốn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ chính quyền thành phố.
Một là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành của thành phố trong giải quyết các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến nhiều sở, ngành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Rút ngắn khoảng cách từ chủ trương, chính sách, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đến hành động cụ thể của cấp thực thi.
Hai là, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai (chỉ số tiếp cận đất đai theo đánh giá PCI của Đà Nẵng ở nhóm thấp cả nước). Đẩy mạnh việc đầu tư, hoàn thiện dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp của thành phố.
Hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics của thành phố nhằm hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, thương mại cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Đà Nẵng. Cần có chiến lược, chính sách ổn định giá thuê tại khu, cụm công nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư của Đà Nẵng so các tỉnh, vùng, miền của nước ta.
Ba là, ngoài những chính sách trong thu hút đầu tư, thành phố cần có những chính sách phát triển, giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, đây cần được xem như chiến lược, khâu đột phá trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, nhiều giá trị gia tăng. Ngoài ra, công tác đào tạo, cung ứng nguồn lao động cũng cần được quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
Bốn là, chuyển đổi trạng thái phục vụ, nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cần ưu tiên hơn cho giải quyết các vấn đề phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế thành phố.
Năm là, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi bởi tác động của dịch Covid -19 cần triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thụ hưởng những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Trung ương.
Sáu là, trong một số trường hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thay đổi về chủ trương, chính sách, pháp luật, các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau thì cần quan tâm hơn đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, không đẩy khó khăn, trách nhiệm về phía doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi kinh doanh, đầu tư tại Đà Nẵng.
Bảy là, cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, đi sâu vào từng dự án. Sớm hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư ở từng dự án, lĩnh vực để nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận và thẩm định để sớm ra quyết định đầu tư. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết hiệu quả các khó khăn vướng mắc giai đoạn hậu đầu tư; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại Đà Nẵng mở rộng đầu tư, trong đó có cơ chế tạo điều kiện trong tiếp cận đất đai.
Tám là, vận dụng sáng tạo và triển khai có hiệu quả hình thức đầu tư PPP trong huy động nguồn lực, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia các công trình, dự án của thành phố.
Chín là, trong thu hút đầu tư, hoạch định chiến lược phát triển thành phố cần quan tâm đến yếu tố liên kết vùng nhằm tạo không gian, động lực phát triển lớn hơn cho Đà Nẵng và của vùng.