Cơ quan Bảo hiểm xã hội đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của người hưởng trên toàn quốc, không bị ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025.
KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC THỤ HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo quy định, lịch chi trả lương hưu hằng tháng sẽ bắt đầu từ ngày mùng 2 của tháng đó. Trong trường hợp ngày mùng 2 trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, lịch chi trả sẽ bắt đầu từ ngày làm việc tiếp theo đầu tiên sau ngày nghỉ, ngày lễ.
Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc, khiến một số người dân băn khoan về việc nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội có sự thay đổi, nhất là ở những địa bàn được sáp nhập, chia tách.
Về vấn đề này, đại diện Ban Tài chính - Kế toán (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) khẳng định, công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội kỳ tháng 7 vẫn được triển khai đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định.
Theo đó, đối với người hưởng nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, việc chi trả sẽ được thực hiện từ ngày 2/7/2025. Với người hưởng nhận tiền mặt, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã làm việc với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam lên các phương án phối hợp để triển khai chi trả theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Hiện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã bố trí đầy đủ cán bộ tại 3.321 đơn vị cấp xã trên toàn quốc, với danh sách đầy đủ của người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của từng địa bàn để tổ chức, phối hợp, thực hiện chi trả theo đúng thời gian quy định.
Hiện nay, toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện chi trả cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong kỳ chi trả tháng 6/2025, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã trực tiếp chi trả qua tài khoản cá nhân cho 81% người hưởng trên toàn quốc.
Còn lại, người hưởng có thể nhận tiền bằng các hình thức chi trả linh hoạt khác như: tiền mặt tại các điểm chi trả hoặc chi trả tại nhà (đối với các trường hợp già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đến nhận tại điểm chi trả).
ĐẢM BẢO PHỤC VỤ KHÔNG GIỚI HẠN ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Cũng trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đã và đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, đảm bảo phục vụ đầy đủ, kịp thời và thông suốt quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Về giải quyết chế độ, chính sách, 6 tháng đầu năm 2025, toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước giải quyết cho hơn 90.600 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng; gần 4,4 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng gia tăng. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có khoảng 95,59 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Như vậy, trong bối cảnh hoàn thiện và sắp xếp bộ máy, cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, không gián đoạn, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, để đảm bảo phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được kịp thời, thông suốt, đáp ứng yêu cầu mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác thường trực tại Bảo hiểm xã hội khu vực.
Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết, xử lý kịp thời các tình huống vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, thành lập các Tổ công tác tại Bảo hiểm xã hội cơ sở, bám sát địa bàn, nhận định, đánh giá các địa điểm hành chính công phát sinh nhiều hồ sơ, tình huống cần xử lý để xây dựng phương án phân công, cử cán bộ chủ động, kịp thời thực hiện nhiệm vụ, xử lý tình huống phát sinh.
Bảo hiểm xã hội các khu vực chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh, thành phố để nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trong thực hiện hợp đồng bưu chính công ích, phục vụ người dân và doanh nghiệp phù hợp với địa bàn, tình hình thực tế tại địa phương trong công tác tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Qua đó, không để gián đoạn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế, các khu vực vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng lõm sóng điện thoại, mạng internet.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 70 dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình và đã tích hợp 100% trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phương thức nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền ở nước ta.
Do vậy, khi triển khai mô hình mới này, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của ngành là “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, không để việc chuyển đổi ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, trong đó có đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.