May 23, 2023 | 11:21 GMT+7

Lương không đủ sống, công nhân mới muốn làm thêm giờ

Phúc Minh -

Giá cả các mặt hàng tăng cao trong khi tiền lương không đủ đảm bảo chi trả cuộc sống, công nhân mong muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập…

Ảnh minh họa. Nguồn - ILO.
Ảnh minh họa. Nguồn - ILO.

Doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng nhiều lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập, đặc biệt khi không còn tăng ca, làm thêm giờ, khiến đời sống càng thêm khó khăn.

“XOAY” ĐỦ ĐƯỜNG NẾU KHÔNG LÀM THÊM

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định số giờ làm thêm năm 2023 với người lao động không quá 40 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm (trừ một số trường hợp được làm thêm không quá 300 giờ năm).

Việc giới hạn trần làm thêm giờ được cho là để đảm bảo điều kiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động cho người lao động. Mặc dù vậy, làm thêm giờ vẫn là mong muốn của nhiều lao động, với lí do là tiền lương không đủ đảm bảo cho cuộc sống.

Được làm thêm giờ nhưng không vi phạm luật là mong muốn của chị Nguyễn Thị Thuận, Công ty Goshi Thăng Long cũng như nhiều công nhân khác. Chị Thuận cho biết, hiện tại giá cả tiêu dùng, điện, nước tăng cao kéo theo các dịch vụ tăng theo, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người lao động, trong khi mức lương hiện tại không đủ chi trả cho cuộc sống thường ngày.

“Nhà nước quản lý giờ làm thêm chặt chẽ chúng tôi biết là có tính nhân văn đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Tuy nhiên nếu không làm thêm chúng tôi không đủ sống, thay vì không làm thêm thì chúng tôi lại phải đi tìm công việc khác, như đi xe ôm, giúp việc theo giờ, ship hàng…, lúc này còn vất vả hơn làm thêm trong công ty mà còn nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn”, chị Thuận băn khoăn.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công nhân lao động chiếm khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, đóng góp trên 65% GDP của cả nước, song thực tế mức sống, tiền lương vẫn chưa đảm bảo, khiến người lao động buộc phải lựa chọn làm thêm giờ, tăng ca…

Tại Hà Nội – địa phương tập trung đông công nhân, theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, mặc dù năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn tăng từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng, riêng quý 1/2023 đạt 7 triệu đồng/tháng, song với mức thu nhập như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội nhìn nhận, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao..., điều này càng khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất. Đặc biệt sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp những khó khăn.

Thu nhập bình quân của người lao động có tăng song không đồng đều, đời sống của một bộ phận người lao động vẫn khó khăn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê phần nào làm rõ thực tế này. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động trên cả nước dù có tăng, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TP.HCM, Bắc Ninh...

“LƯƠNG ĐỦ SỐNG, KHÔNG AI MUỐN LÀM THÊM GIỜ”

Theo các chuyên gia, tiền lương không đảm bảo cuộc sống khiến nhiều lao động có mong muốn làm thêm giờ, còn nếu đủ sống chắc chắn không ai muốn làm thêm. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong tương lai cần hướng đến việc làm 8 tiếng nhưng tiền lương phải đủ sống, còn thực tế hiện nay khi không có làm thêm thì hầu như công nhân rất chật vật, thậm chí “kêu trời”.

“Nếu đúng ra thì thì chỉ cần làm 8 tiếng mà tiền lương đủ sống thì không có chuyện người lao động muốn làm thêm. Ai cũng có nhu cầu hưởng thụ cuộc sống. Phải hiểu bản chất vì sao người lao động muốn làm thêm, vì phải có tiền mới đủ sống, còn tiền lương thực hiện đúng theo giờ làm việc tiêu chuẩn thì lại không đủ sống”, ông Quảng nhấn mạnh.

Theo Nghị định số 38 của Chính phủ, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương này được áp dụng từ ngày 1/7/2022 đến hết năm 2023.

Hồi tháng 2, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị các địa phương rà soát việc thực hiện lương tối thiểu vùng, từ đó có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

Gửi ý kiến về Bộ, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã kiến nghị, khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như giá sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động.

Liên quan đến vấn đề này, tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, Chính phủ cho biết, trong thời gian tới sẽ xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp.

Cùng với đó là triển khai hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate