Bộ Nguồn nhân lực của Malaysia thông tin, dự kiến bắt đầu từ ngày 10/10 tới sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển của các lao động nước ngoài trong 3 lĩnh vực gồm dệt may, chế tác kim hoàn và cắt tóc.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/10, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia V.Sivakumar cho biết, tổng số lao động nước ngoài mà Malaysia cần tuyển lần này là 7.500 người, trong đó có khoảng 5.000 lao động nước ngoài hiện đang làm việc trong 3 lĩnh vực trên tại Malaysia (theo hồ sơ của Cục Nhập cư).
Đối với ngành nghề cắt tóc, người lao động bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề được Chính phủ công nhận.
Theo chính sách hiện hành của Malaysia, thời gian tối đa cho một lao động mới và hiện đang làm việc tại nước này là 13 năm. Những lao động đã làm việc đủ thời gian trên sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng.
Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực V. Sivakumar ước tính Malaysia hiện cần khoảng 15.000 lao động nước ngoài cho các lĩnh vực dệt may, thợ kim hoàn và cắt tóc. Các ngành này đã phải đối mặt với nhiều vấn đề trong vài năm qua sau khi việc tuyển dụng bị đóng băng do đại dịch Covid-19. Theo ông, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia đã rất nỗ lực để thu hút người dân địa phương làm việc trong các lĩnh vực này, nhưng người sử dụng lao động vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc tuyển dụng.
Với Việt Nam, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bản ghi nhớ lần đầu tiên về tuyển dụng lao động Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia được ký hồi tháng 12/2003 và được ký mới vào tháng 8/2015.
Gần nhất, Bản ghi nhớ lần thứ 3 được ký kết hồi tháng 3/2022 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cùng thực hiện, dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng hai nước, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri bin Yaakob.
Trên cơ sở Bản ghi nhớ này, hoạt động phái cử người lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia sẽ được thực hiện chặt chẽ, các cơ quan quản lý hai nước phối hợp tích cực trong các hoạt động liên quan đến lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia.
Tại Quyết định 207/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Bản Ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia ban hành hồi tháng 3/2023, Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nội dung Bản ghi nhớ, thực tế tình hình lao động của địa phương và các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, chiến dịch truyền thông chung và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa cơ quan chức năng hai nước và các địa phương...
Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện và hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động sang Malaysia lao động theo hợp đồng. Trong suốt thời gian có hiệu lực của Bản ghi nhớ, hướng dẫn các thay đổi liên quan đến chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của Malaysia cho các doanh nghiệp để thực hiện…
Hiện lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ…