Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho hay, trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
CẢNH GIÁC TÀI KHOẢN FACEBOOK MẠO DANH CÔNG AN HỖ TRỢ LẤY LẠI TIỀN BỊ LỪA
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số trang giả mạo các Cục nghiệp vụ (Bộ Công an). Các trang này đăng tải nhiều video và bài viết với nội dung cảnh báo về các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, các đối tượng còn lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo với cam kết chỉ thu tiền sau khi nạn nhân đã lấy lại được số tiền đã mất.
Đáng lưu ý, những trang giả mạo này được xác thực tích xanh, tạo dựng uy tín giả nhằm đánh lừa người dân, đặc biệt là những người đã từng bị lừa đảo và đang khao khát lấy lại số tiền của mình. Các đối tượng mạo danh hứa hẹn sẽ hỗ trợ thu hồi tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng, khiến nhiều người lầm tưởng rằng họ có thể tìm thấy giải pháp cho vấn đề của mình thông qua mạng xã hội.
Thực tế, có nhiều nạn nhân vì quá tin tưởng vào các trang này, đã liên hệ để nhờ hỗ trợ, dẫn đến việc bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển tiền để “được hỗ trợ”. Hệ quả là không chỉ số tiền bị lừa trước đó không được lấy lại, mà họ còn tiếp tục mất thêm tiền cho những đối tượng lừa đảo này.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng và cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo này. Tuyệt đối không liên hệ với các trang mạng xã hội quảng cáo dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo" hay "thu hồi tiền lừa đảo"…
Ngoài ra, luôn kiểm tra danh tính và độ uy tín của người hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Không truy cập vào các đường liên kết hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không thực hiện theo hướng dẫn và yêu cầu của đối tượng không rõ danh tính. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm như số Căn cước công dân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng hay mật khẩu tài khoản,... dưới bất kỳ hình thức nào.
MẠO DANH NHÂN VIÊN VIETTEL CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là thông báo cho nạn nhân qua tin nhắn, email, hoặc cuộc gọi đã trúng thưởng giải thưởng lớn dù không hề tham gia bất kỳ chương trình nào. Thêm vào đó, đối tượng sẽ lợi dụng tên tuổi của các tổ chức, công ty lớn để tạo lòng tin, như các nhãn hiệu điện thoại, xe hơi, hoặc các nhãn hàng nổi tiếng.
Đồng thời, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu. Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu bạn chuyển khoản một khoản tiền (phí vận chuyển, thuế) để nhận giải thưởng. Thậm chí, đối tượng còn thường tạo áp lực về thời gian, yêu cầu bạn phải hành động ngay lập tức nếu không sẽ mất phần thưởng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng và cảnh giác trước những tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc mời tham gia chương trình tri ân khách hàng miễn phí. Người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống.
“Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
LỪA ĐẢO GỬI TIN NHẮN BÌNH CHỌN CUỘC THI VẼ TRANH TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Ngày 28/9, Công an thị xã Buôn Hồ phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đắk Lắk đấu tranh, triệt phá thành công và bắt giữ 2 đối tượng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trên không gian mạng.
Theo đó, từ tháng 2/2024, đối tượng khai nhận đã tạo lập trang web giả mạo bình chọn cuộc thi vẽ tranh 2024, rồi dùng ứng dụng Messenger gửi đường link có tên miền “weebly.com” kèm theo tin nhắn nhờ mọi người tham gia bình chọn.
Khi người dùng nhấn vào đường link này, nhập tên tài khoản đăng nhập và mật khẩu thì thông tin này sẽ được lưu lại. Từ đó, đối tượng chiếm quyền truy cập tài khoản Facebook, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng có tên trùng với chủ tài khoản Facebook và chiếm đoạt tiền.
Đối với hình thức lừa đảo trên, các đối tượng thường sẽ lợi dụng vào những mối quan hệ như giả dạng bạn bè, người thân, đối tác để khiến nhiều người không mảy may nghi ngờ mà đăng nhập vào website, bình chọn cuộc thi, đăng nhập số điện thoại, mật khẩu Facebook.
Sau khi ăn cắp tài khoản Facebook xong, các đối tượng nghiên cứu mục tin nhắn messenger, xem cách thức chủ tài khoản thường nhắn tin rồi giả làm chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để nhờ bình chọn cuộc thi trực tuyến. Nếu ai chấp nhận lời yêu cầu tham gia bình chọn, tài khoản của người dùng ngay lập tức sẽ bị đánh cắp, bị các đối tượng này sử dụng để đi lừa đảo.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo trên. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Không truy cập vào các đường liên kết hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không thực hiện theo hướng dẫn và yêu cầu của đối tượng không rõ danh tính.
Đặc biệt, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mật khẩu tài khoản dưới bất kỳ hình thức nào. Thực hiện kiểm tra thông tin trên các trang web hoặc kênh truyền thông chính thức của chương trình hoặc tổ chức được đề cập. Thiết lập xác thực hai yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên.