TS. Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch cao cấp Marvell cho biết, Trung tâm Thiết kế Vi mạch này sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất, đồng thời là nơi làm việc lý tưởng đối với các kỹ sư công nghệ Việt Nam, cho phép họ trau dồi các kỹ năng chuyên môn và mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu nhân lực của Trung tâm Thiết kế Vi mạch, Marvell sẽ chú trọng đầu tư phát triển các kỹ năng công nghệ thiết yếu thông qua chương trình học bổng ưu tú Marvell Việt Nam. Chương trình sẽ hỗ trợ các sinh viên tài năng chuyên ngành kỹ thuật và khoa học máy tính tại các trường đại học Việt Nam.
Thông qua chương trình học bổng này, Marvell mong muốn phát triển năng lực kỹ thuật, khuyến khích sự hiện diện của lao động nữ ở mọi cấp độ và ưu tiên tuyển dụng lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.
“Một trong những thách thức hàng đầu của ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực nghiên cứu và kỹ thuật, và đây là cơ hội lớn cho các kỹ sư công nghệ Việt Nam. Việc thành lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch Marvell tại Việt Nam là một bước quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành vi mạch Việt Nam”, TS. Lợi Nguyễn khẳng định.
Ngoài ra, Marvell cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thu hút nhân tài làm việc tại Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại TP.HCM nhằm góp phần phát triển các cơ hội việc làm, sự nghiệp và hệ sinh thái vi mạch giá trị cao tại Việt Nam.
Theo TS. Lợi Nguyễn, có 4 yếu tố chính tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam: (1) Nguồn nhân lực; (2) Sự ổn định về kinh tế và xã hội; (3) Văn hóa năng động; (4) Quan trọng nhất, Việt Nam là nơi đầu tư rất hiệu quả về mặt chi phí. Ngành công nghệ đang cắt giảm nhân sự rất mạnh; tuy nhiên, Việt Nam và Ấn độ vẫn là hai nước mang đến hiệu quả rất tốt về mặt đầu tư thiết kế vi mạch. Đó là lý do tại sao Marvell toàn cầu vẫn cam kết phát triển và mở rộng tuyển dụng tại Việt Nam.
Được biết, mô hình kinh doanh của Marvell toàn cầu là “Fabless”, nghĩa là thiết kế chip và sau đó thuê các nhà sản xuất gia công chip. Marvell không có bất cứ nhà máy nào trên phạm vi toàn cầu. Việc sản xuất chip sẽ do các bên thứ 3 đảm nhiệm như TSMC (Đài Loan), Samsung, UMC…
Hiện nay, có 2 lĩnh vực quan trọng mà Marvell đang tập trung vào, đó là cơ sở dữ liệu đám mây (cloud datacenter) và trí tuệ nhân tạo (AI). Marvell đã hoạt động ở Việt Nam được 10 năm, kể từ tháng 10/2013. Đến nay, Marvell Việt Nam đã có 300 kỹ sư và đang tăng tốc tuyển dụng.
Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở Etown (quận Tân Bình) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) TP.HCM. Theo đánh giá của Marvell, trong 10 năm qua, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án. Nguồn nhân lực của Việt Nam đã phát triển đủ để có thể đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất. Đó là lý do tại sao Marvell quyết định nâng tầm Marvell Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế tầm cỡ thế giới.