Nhận định này được các chuyên gia, đại diện tỉnh Bắc Ninh đưa ra tại tọa đàm với chủ đề “Bắc Ninh trên đường công nghiệp hóa” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức ngày 26/11.
DOANH NGHIỆP FDI “MỎI MẮT” TÌM NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Nhìn nhận về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, ông Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, lực lượng này đóng vai trò chủ yếu và rất quan trọng trong việc tiếp thu được công nghệ, song thực trạng nhân lực của chúng ta hiện nay là “rất yếu”.
Ông Thắng cho biết, trong số 4,7 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì có đến 980.000 người là các chuyên gia nước ngoài. Còn theo điều tra về nguồn lực lao động, 80% chưa có bằng cấp chứng chỉ đào tạo, 60% các doanh nghiệp FDI khi được hỏi nói rằng rất khó để tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam, theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì con số này là 50%.
Theo ông Thắng, chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là thất bại của riêng Bắc Ninh mà của cả nước. “Khi Foxconn muốn mở rộng cơ sở sản xuất máy tính bảng tại Bắc Ninh thì không tìm ra nguồn nhân lực. Hơn 300.000 lao động trong các khu công nghiệp thì tỉnh Bắc Ninh chỉ cung cấp được khoảng 25%, còn lại là từ các tỉnh khác, lúc đó Foxconn phải chuyển sang nước khác, đây là những điều rất đáng tiếc do chất lượng nguồn lực lao động”, ông Thắng dẫn chứng.
Việc hạn chế về chất lượng lao động còn kéo theo các hệ hụy khác, đó là càng làm cách biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, do không đủ nguồn lực lao động, các doanh nghiệp này sẽ không liên kết với doanh nghiệp trong nước.
“Trên 84% các doanh nghiệp FDI về hình thức đầu tư là 100% vốn nước ngoài, vì thế đúng là chúng ta thu hút đầu tư công nghệ cao, nhưng giá trị thực mà chúng ta nhận được là gì nếu không có công nghệ cao, và nếu không phát triển được doanh nghiệp nội địa”, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài đặt vấn đề và cho rằng, từ chính sách đến thực tiễn luôn có khoảng cách khá xa.
Trong khi đó, nếu để tiếp thu được công nghệ cao và mang lại giá trị thực cho Việt Nam trước đây đã có hai chính sách được ban hành, đó là phát triển kinh tế tư nhân và công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, cả hai chính sách này đều rất chậm và còn nhều vấn đề chưa mang lại kết quả.
“Tôi cho rằng hiện tại đừng đỏi hỏi việc thay đổi chính sách gì cả, hãy thực hiện thật tốt những gì đã có thì sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Với thực trạng nguồn nhân lực như vậy, cần thực hiện các giải pháp phù hợp với điều kiện của mình. Cơ hội rất nhiều, nhưng cần phổ biến lại cho cộng đồng doanh nghiệp và địa phương để tiếp nhận tất cả các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư…, làm sao để họ thấy rõ được cơ hội và trách nhiệm của mình”, ông Thắng khuyến nghịị.
CÓ CHẾ ĐỘ PHÚC LỢI TỐT ĐỂ THU HÚT NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG
Từ thực tiễn tại Bắc Ninh, ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng thừa nhận là có nhà đầu tư e ngại khi đến Bắc Ninh vì phân vân nguồn nhân lực của tỉnh có đáp ứng đủ hay không. “Có nhà đầu tư lớn đến Bắc Ninh tìm hiểu nhưng sau đó lại đến các tỉnh khác. Vì thế chúng tôi hiểu rằng, khi vị trí địa lý như nhau thì không còn là lợi thế, quan trọng nhất là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng mềm nằm ở con người, vấn đề này cần được thay đổi vì rất quan trọng”, ông Mai nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cậy, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh nói rằng, để đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, thời gian tới Bắc Ninh sẽ triển khai nhiều giải pháp.
Một là chuyển đổi mạnh các mô hình đào tạo phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, xác định đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng những gì thị trường cần, đặc biệt là những nhân lực, ngành nghề phục vụ cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Bắc Ninh.
Đồng thời, cần gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, việc này nhằm chia sẻ nguồn lực về cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực chuyển giao kiến thức, kỹ năng thực tiễn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo cả về kỹ năng, trình độ, ý thức, tác phong, tính kỷ luật và tinh thần làm việc tập thể.
Giải pháp thứ hai được ông Cậy nhấn mạnh là có chính sách đãi ngộ và thu hút tuyển dụng, sử dụng lao động. Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là những cán bộ quản lý, sinh viên giỏi, hỗ trợ tạo điều kiện cho những dự án, tổ chức đào tạo nghề trực tiếp theo nhu cầu của các doanh nghiệp và doanh nghiệp FDI.
“Bắc Ninh cũng ưu tiên có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ trẻ, có năng lực để đưa đi đào tạo trình độ chuyên môn, kỹ thuật ở nước ngoài. Song song đó là cần có chính sách hỗ trợ về nhà ở, xây dựng môi trường làm việc thân thiện trong doanh nghiệp với chế độ lương, thưởng phúc lợi công bằng và hợp lý”, ông Cậy cho biết.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chú trọng nâng cao năng lực quản lý nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý. Với giải pháp này, cần thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu giúp việc về công tác quản lý phát triển nguồn nhân lực.
Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch, quy trình tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong từng giai đoạn, cũng như có kế hoạch thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh theo hướng hiện đại và hiệu quả.