July 22, 2024 | 11:53 GMT+7

Mất gần 10 tỷ đồng vì cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo

Phạm Vinh -

Cục An toàn thông tin đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo để chiếm đoạt tài sản, nhưng nhiều người dân vẫn "sập bẫy" thủ đoạn này...

“Sập bẫy” mất gần 10 tỷ đồng vì cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo - Ảnh minh họa.
“Sập bẫy” mất gần 10 tỷ đồng vì cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo - Ảnh minh họa.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong báo cáo tuần qua đã cảnh báo việc tham gia hội nhóm "Hệ thống phân phối gum”, người đàn ông bị lừa hơn 260 triệu đồng; cảnh giác chiêu trò lừa đảo mạo danh người nổi tiếng; lừa đảo chiếm đoạt bất động sản thông qua email… Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Thời gian qua, Cục An toàn thông tin đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh công an gọi điện yêu cầu người dân cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo để chiếm đoạt tài sản, nhưng nhiều người dân vẫn "sập bẫy" thủ đoạn này.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận quận Cầu Giấy TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thủ đoạn như trên. Theo đó, Công an quận Cầu Giấy đã tiếp nhận đơn trình báo của anh T (trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) về việc anh có nhận được điện thoại của một đối tượng giả danh cán bộ công an, yêu cầu anh cài đặt phần mềm dịch vụ công “giả mạo”. Sau khi cài đặt xong, anh T phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất gần 10 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân của họ bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan công an để làm việc.

Với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ, đối tượng sẽ thúc ép để người dân phải khẩn trương tải phần mềm dịch vụ công “giả mạo”, do đối tượng cung cấp. Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Cục An toàn thông tin liên tục đưa ra khuyến cáo cho người dân, đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội.

Ngoài ra, khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, người dân nên đến trực tiếp Công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn. 

GIẢ MẠO FACEBOOK, LỪA ĐẢO BÁN ĐỒ ĐIỆN TỬ

Công an huyện Hương Sơn (Công an Hà Tĩnh) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Anh Dũng (32 tuổi, trú tại phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo điều tra, để thực hiện hành vi, Dũng lập và sử dụng một tài khoản Facebook mang tên “NA Dung” kèm theo các thông tin cá nhân giả mạo để tham gia vào các hội nhóm mua bán đồ điện tử và đăng bán các mặt hàng có liên quan.

Tuy nhiên, trên thực tế Dũng không có hàng hóa để thực hiện việc mua bán. Khi có người nhắn tin trao đổi việc mua hàng, Dũng thông báo các ưu đãi như giá sản phẩm rẻ hơn thị trường, giảm giá tiền của sản phẩm, miễn phí tiền vận chuyển...

Đồng thời, Dũng sử dụng ứng dụng “GHN-GiaoHangNhanh” tạo các đơn chuyển hàng giả gửi cho người mua để người mua tin tưởng chuyển tiền trước cho Dũng qua tài khoản ngân hàng.

Với thủ đoạn trên, Nguyễn Anh Dũng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước với tổng số tiền trên 130 triệu đồng.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác.

“Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.” 

THAM GIA HỘI NHÓM "HỆ THỐNG PHÂN PHỐI GUM", NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ LỪA HƠN 260 TRIỆU ĐỒNG

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Thanh Bình liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nhiều nạn nhân bị sập bẫy, tiền bị lừa không lấy lại được mà tiếp tục bị lừa thêm nhiều lần.

Vừa qua, Công an huyện Thanh Bình tiếp nhận thông tin từ anh L.S.N. (sinh năm 1990) ngụ ấp Hạ, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình đến trình báo về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 260 triệu đồng thông qua hình thức tham gia thành viên “hệ thống phân phối gum”.

Theo đó, khoảng tháng 2/2024, thông qua mạng xã hội Facebook, anh có làm quen với người tên Mai Thị Thu Hương (nickname Thu Hương (Sweet)) tư vấn anh tham gia vào thành viên hệ thống phân phối gum trên trang website: www.gumru.online, khi tham gia hoàn thành 60 đơn hàng sẽ có tiền lời cao.

Nghe theo hướng dẫn, anh tham gia vào trang website này, ngày 12/3/2024, hệ thống yêu cầu anh nạp tối thiểu 500 USD (tương đương 13 triệu đồng) vào tài khoản để làm vốn phân phối hàng hóa, liên tục trong các ngày tiếp theo anh nộp thêm 57 triệu đồng theo yêu cầu để hoàn thành giao dịch phân phối đơn hàng, vừa hoàn thành xong đơn hàng, hệ thống tiếp tục yêu cầu nạp cho đến đơn cuối cùng.

Phát hiện bất thường, anh dừng thực hiện giao dịch, lúc này hệ thống yêu cầu nạp thêm 5 triệu đồng để tránh việc hệ thống trừ tiền trên tài khoản ngân hàng. Vì sợ mất tiền, anh tiếp tục nộp theo yêu cầu. Tổng số tiền các lần anh nạp vào hệ thống là 264.116.000 đồng.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội trên không gian mạng; cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội.

“Không tin tưởng những lời chào mời, hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh bị đánh cắp phục vụ cho mục đích phạm pháp. Không chuyển tiền cho bất cứ ai hay vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận được danh tính đối tượng”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate